“Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp” là khái quát của Chính phủ tại báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014, được gửi đến Quốc hội.
Đây là nội dung được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 8 vào sáng 20/10, được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước có thể cùng theo dõi.
Nếu so với nhận xét “tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm”của báo cáo năm 2013 thì đánh giá trên có vẻ thiếu định lượng hơn.
Song phần diễn giải thêm sau đó thì ở cả hai bản báo cáo đều khá quen thuộc. Vẫn là tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Hay tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước.
Đáng chú ý, ở báo cáo của năm nay, Chính phủ lý giải thêm rằng tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích.
“Nhóm lợi ích”, đó là cụm từ rất quen với dư luận xã hội trong những năm gần đây.
Đi vào những vấn đề cụ thể hơn, báo cáo của Chính phủ cho biết năm 2014 có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong đó, 3 người bị xử lý hình sự, 5 người bị cách chức, 40 người bị xử lý kỷ luật các hình thức cảnh cáo, khiển trách.
Đến đây thì yếu tố “lạ” lại xuất hiện. Bởi báo cáo nêu rõ “công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có chuyển biến tích cực”, nhưng số người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm thì ít hơn hẳn con số 67 người của 2011, và chỉ bằng 1/3 số được phát hiện xử lý của 2009.
“Năng lực không thiếu, tổ chức bộ máy không thiếu, quyết tâm không thiếu, nhưng vẫn không phát hiện được tham nhũng, phải chăng có vấn đề về lợi ích nhóm, về bao che trong đội ngũ cán bộ?” từng là vấn đề được Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ từ hai năm trước.
Ở báo cáo năm nay, Chính phủ nhìn nhận, vẫn còn lúng túng trong việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận.
Đây là hạn chế đã được nêu nhiều năm, còn điểm mới tại báo cáo 2014 là Chính phủ cho rằng bên cạnh xem xét việc quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với người đứng đầu cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những người đứng đầu đã chủ động phát hiện, xử lý nghiêm tham nhũng.
Đột biến giảm là số người nộp lại quà tặng của năm 2014 chỉ có 32 trường hợp, trong khi năm 2013 là 364.
Lạ nữa là năm 2013 riêng An Giang đã có 330 trường hợp không nhận và trả lại quà tăng, còn năm nay không có trường hợp nào.
Nhưng, năm nay Bộ Tài chính có 12 người nộp lại quà tặng với tổng số tiền 118 triệu đồng, là bộ duy nhất có tên trong danh sách này, cũng là điều lạ so với danh sách của năm 2013 chỉ toàn tên địa phương.
Việc thực hiện quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng vẫn còn hình thức là nhận xét được nêu tại báo cáo. Và cũng như rất nhiều các nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém khác, đây là nhận xét rất quen.
Chẳng hạn, báo cáo nhiều năm liền đều nêu việc tự phát hiện hành vi tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu. Hay vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít, hiệu quả chưa cao…
Nhưng, điều rất lạ, luôn luôn nằm trong câu hỏi lớn của nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội, là tại sao những điều quá quen thuộc nói trên cứ lặp đi lặp lại hết năm này sang năm khác, trách nhiệm thuộc về ai thì không rõ câu trả lời trong báo cáo.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate