Vấn đề thu nhập của lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có thể sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn trước Quốc hội trong tuần này.
Theo dự kiến vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi xin ý kiến đại biểu sáng nay, trước khi Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn trực tiếp vào sáng 12/6 sẽ có bốn vị bộ trưởng đăng đàn. Thời gian dành cho mỗi vị sẽ là trọn một buổi.
"Xét duyệt lương cho lãnh đạo của SCIC cao ngất ngưởng, gấp 10 lần lương của Chủ tịch nước, ai duyệt cái này, đó có phải là hình thức tham nhũng không?" đã là câu hỏi được đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nêu ra ngay từ khi Quốc hội thảo luận về ngân sách Nhà nước trong tuần đầu của kỳ họp. Và nội dung này đã trở lại trong những chất vấn được gửi đến Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bên cạnh nội dung này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh sẽ trả lời về các biện pháp kiềm chế lạm phát, khắc phục bội chi ngân sách lớn, kéo dài; phòng ngừa rủi ro trong vay nợ Chính phủ và vay nợ quốc gia….
Đây là vấn đề được Quốc hội đặc biệt quan tâm, khi mà ngay trước kỳ họp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã đưa ra cảnh báo “nợ quốc gia đã tăng sát mức trần cho phép”.
Trách nhiệm của Bộ trong quản lý Nhà nước về giá, nhất là giá của một số mặt hàng thiết yếu như phân bón, xăng dầu, thép, ga, đường...cùng giải pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về góc độ tài chính cũng nằm trong nhóm vấn đề Bộ trưởng Ninh sẽ trả lời.
Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ “chia lửa” với vị "tư lệnh" ngành tài chính về những vấn đề có liên quan.
Ba nhóm vấn đề dành cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sẽ là những hạn chế, yếu kém về quản lý Nhà nước, các giải pháp hạn chế thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng và an toàn quá trình thi công các dự án công trình giao thông…
Người đứng đầu ngành giao thông cũng sẽ phải trả lời Quốc hội về việc bịt ngã tư, làm vô hiệu hóa hàng trăm tín hiệu đèn giao thông ở Hà Nội.
Hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông, đào bới vỉa hè, lòng đường gây lãng phí…cũng là những vấn đề Quốc hội chất vấn vị bộ trưởng này.
Nếu đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ làm rõ trách nhiệm của mình trong việc cho người nước ngoài thuê đất trồng rừng; biện pháp tạo thị trường ổn định cho tiêu thụ hàng hóa nông sản, giải pháp đảm bảo cho nông dân sản xuất lúa có lãi 30% trở lên.
Với Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chất vấn tập trung vào tình trạng tổ chức lễ hội tràn lan, lãng phí, lợi dụng để thương mại hóa; tình trạng đạo đức xuống cấp, bạo lực, bạo hành, lối sống thực dụng, quảng cáo thiếu văn hóa, các hành vi phi văn hóa trong thi đấu thể thao….
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham gia làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.
Cũng như một số kỳ họp gần đây, việc chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành theo nhóm vấn đề và mỗi vị bộ trưởng sẽ chi có tối đa 15 phút để báo cáo tóm tắt kết quả giải quyết lời hứa từ kỳ họp trước. Riêng Phó thủ tướng sẽ dành khoảng 30 phút để báo cáo những vấn đề chủ yếu Chính phủ đã tổ chức thực hiện khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu.
Tính đến hết ngày 6/6, trong số 169 chất vấn của của 77 đại biểu ở 44 đoàn đại biểu Quốc hội có 13 chất vấn dành cho Thủ tướng ( kỳ họp trước Thủ tướng nhận được 35 chất vấn) và chỉ có 2 chất vấn dành cho các phó thủ tướng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương dẫn đầu danh sách với 26 chất vấn, trong khi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ nhận được duy nhất 1 chất vấn. Nhận được từ 12 đến 18 chất vấn là các vị bộ trưởng các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và xã hội, Tài nguyên và Môi trường...
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate