Kết quả điều tra, xử lý vụ nhận hối lộ liên quan đến Công ty CPI như thế nào, tại sao dự án bauxite ở Tây Nguyên không trình Quốc hội, giá trị gói kích cầu kinh tế là bao nhiêu, đã chi ra sao?... Đó là những vấn đề các đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng tại kỳ họp này.
Tính đến 11h30 ngày 8/6, đã có 23 chất vấn của đại biểu Quốc hội dành cho Thủ tướng, giảm gần một nửa chất vấn so với kỳ họp thứ tư. Gần 200 chất vấn khác cũng đã được gửi đến các bộ, Tổng thanh tra Chính phủ và Chánh án tòa án nhân dân tối cao. Trong đó, Bộ Công thương nhận được nhiều chất vấn nhất (26 chất vấn).
Tại kỳ họp này, Thủ tướng đã giao Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cùng 7 bộ trưởng trả lời chất vấn. Đó là bộ trưởng các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.
23 chất vấn Thủ tướng đề cập nhiều nội dung đang được cử tri cả nước quan tâm.
Khai thác bauxite: sao không báo cáo sớm?
“Kế hoạch khai thác bauxite ở Tây Nguyên được Trung ương Đảng có nghị quyết từ rất sớm, khi Chính phủ triển khai sao không báo cáo và xin đồng thuận sớm từ Quốc hội?”. Đại biểu Hà Thanh Toàn (Cần Thơ) chất vấn Thủ tướng.
Đại biểu Toàn đề nghị Chính phủ có “công báo chính thức trên báo chí để cử tri an tâm”, vì hiện nay thông tin về dự án này rất khác nhau. Đồng thời, đề xuất với Quốc hội xây dựng chương trình giám sát về nội dung này.
Đại biểu Lê Minh Hồng (Tp.HCM) đề nghị Thủ tướng giải trình vì sao không trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Trong khi dự án có đầy đủ các tiêu chí nêu ỏ Nghị quyết 66/2006 QH11.
“Hoàn toàn chia sẻ và ủng hộ cách làm của Chính phủ”, song đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) đề nghị Thủ tướng cho biết các giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, để giảm thiểu tối đa sự tác động của các dự án khai thác bauxite đến không gian cảnh quan văn hóa nơi diễn ra các dự án. Bởi, trong báo cáo của Chính phủ thì vấn đề này “đề cập quá mỏng” với những giải pháp chung chung, thiếu cụ thể. Trong khi đó, Chính phủ đã thừa nhận “sẽ tác động đến đời sống kinh tế, phong tục tập quán và văn hóa xã hội của một bộ phận nhỏ người dân bản địa”.
Giá trị gói kích cầu kinh tế là bao nhiêu?
Cũng liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đặt câu hỏi: việc Chính phủ tự quyết định gói kích cầu có đúng thẩm quyền không, giá trị gói kích cầu là bao nhiêu, đã chi như thế nào, vì sao thông tin về giá trị gói này mỗi lúc một khác?
Đại biểu Thuyết cũng chất vấn về việc trong khi Chính phủ mới đang trình Quốc hội thông qua chủ trương phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu, Quốc hội còn chưa thảo luận thì báo chí đã đưa tin Thủ tướng yêu cầu phân bổ số kinh phí từ trái phiếu và ứng tiền để thực hiện. Nếu báo chí đưa tin chính xác thì việc hỏi ý kiến Quốc hội có hình thức không, đại biểu Thuyết đặt câu hỏi.
Sử dụng vốn kích cầu cũng là nội dung nhiều đại biểu băn khoăn. Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đề nghị Chính phủ giải thích, trong khi có một số giải pháp kích cầu công bằng và nhanh chóng nhất, hiệu quả nhất thì Chính phủ lại chưa áp dụng mà còn có những quyết định ngược lại. Đó là khi cần giảm giá điện, xăng, dầu, thuế VAT để mọi thành phần kinh tế đều được hưởng và kích cầu tiêu dùng thì Chính phủ lại tăng giá lên.
Bên cạnh các nội dung trên, các vị đại biểu còn chất vấn người đứng đầu Chính phủ về kế hoạch cân đối ngân sách, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chính sách an sinh xã hội vì sao thực hiện chậm và lúng túng…
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate