Hầu hết các đại biểu Quốc hội tuy tán thành chủ trương mở cửa cho người nước ngoài mua nhà, song cũng cho rằng luật phải hết sức chặt chẽ, tránh những bất lợi có thể xảy ra trong tương lai.
Tại buổi thảo luận tổ về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi ngày 27/5, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nói việc tạo điều kiện cho người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam là hợp lý, phù hợp với xu thế mở cửa, hội nhập kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Kiêm, dự luật cũng đã quá nới lỏng, khi quy định người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam không hạn chế số lượng.
Theo quy định tại điều 155 và điều 157 của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu được phép nhập cảnh vào Việt Nam về cơ bản có các quyền sở hữu về nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước; tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở tại các dự án không hạn chế về số lượng; thời hạn sở hữu đối với tổ chức thì tối đa không quá thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đầu tư, với cá nhân thì thời hạn sở hữu là 50 năm nhưng có thể được gia hạn nếu có nhu cầu, đồng thời có quyền cho thuê nhà ở.
“Như vậy, với những người có nhiều tiền sẽ mua số lượng lớn thì sao? Mục đích của ta là giải quyết chỗ ở cho mọi người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng quy định thế này thì nhà đầu tư có thể trục lợi trên thị trường. Đồng ý là luật phải mở, nhưng cần có chế tài quản lý!”, ông Kiêm nói.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nhìn nhận, điều 157 của dự thảo luật quy định về sở hữu nhà ở của cá nhân, tổ chức nước ngoài nếu theo phương án một thì “thoáng quá”, dẫn tới khó quản lý sau này.
Theo đại biểu, luật cần quy định cụ thể và chặt chẽ việc cho phép người nước ngoài cư trú ở Việt Nam bao lâu thì mới được sở hữu, để tránh lũng đoạn, thậm chí ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng.
Riêng đối với điều khoản “người nước ngoài chỉ được mua 30% số căn hộ trong một khu chung cư còn với nhà riêng lẻ thì trong một phường không quá 25 căn”, đại biểu Minh cho rằng, hoặc là bỏ hẳn điểm này, hoặc đưa ra quy định chỉ cho người nước ngoài mua một căn hộ hoặc một nhà khi vào Việt Nam, và cũng phải giải thích mục đích sử dụng.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp.HCM) thì bình luận, việc dự luật cởi mở như vậy sẽ thu hút vốn đầu tư, giúp cho thị trường kinh doanh bất động sản lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, ông kiến nghị, có thể “thoáng” với nhiều quốc gia khác, song với nước láng giềng Trung Quốc, Nhà nước nên thận trọng, bởi hiện nay Trung Quốc đang thực hiện chủ trương biên giới “mềm”, nếu không tính toán chặt chẽ, Việt Nam sẽ đón nhận một làn sóng ồ ạt người Trung Quốc sang định cư.
Trước đó, trong báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã tán thành với chủ trương mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở.
Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị cần làm rõ là trong khi nhu cầu về nhà ở còn rất lớn, cũng như điều kiện để tạo lập nhà ở của người dân còn rất khó khăn, thì việc mở rộng các đối tượng được sở hữu nhà ở, nhất là đối với người nước ngoài như trong dự thảo luật sẽ có tác động như thế nào đến quyền có nơi ở của người dân, đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong nước.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate