Thực hiện chương trình phiên họp thứ 10, chiều ngày 21/4, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành, sự cần thiết và thống nhất bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua Nghị quyết tại một kỳ họp trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 5/2022.
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Khánh Hòa là tỉnh ven biển Nam Trung bộ, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của cả nước, có tiềm năng bứt phá phát triển, lan tỏa thúc đẩy phát triển vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 24//122012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Khánh Hoà đã khai thác và phát huy tương đối tốt các tiềm năng, lợi thế, nhất là lợi thế về biển cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết tiềm năng, lợi thế của tỉnh chưa được khai thác hợp lý, chưa tạo ra sự đột phá cho phát triển.
Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra yêu cầu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Khánh Hòa nhanh và bền vững, để đến năm 2030.
"Do vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa là cần thiết, nhằm thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển nêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, khắc phục những hạn chế, yếu kém và tạo cơ chế, chính sách đột phá để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần đạt được các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra", ông Dũng nêu rõ.
LƯU Ý KHI LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ TẠI KHU KINH TẾ VÂN PHONG
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho biết qua nghiên cứu Dự thảo Nghị quyết, đối chiếu với các văn bản liên quan cho thấy nhiều nội dung đã thể hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Một số nội dung tương đồng với cơ chế, chính sách đặc thù của các tỉnh, thành phố vừa được Quốc hội ban hành (Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Cần Thơ…). Một số chính sách mới được đề xuất đã thể hiện tinh thần đổi mới, mong muốn đột phá, tạo tiền đề thay đổi về thể chế trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, về quản lý quy hoạch, dự thảo Nghị quyết quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Thường trực Ủy ban nhất trí với quy định trên, vì đây là cơ chế tương tự như cơ chế đã được Quốc hội cho phép áp dụng đối với thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An…, song cũng đề nghị khi tổ chức thực hiện cần rà soát, đối chiếu, cập nhật việc điều chỉnh quy hoạch hiện nay để bảo đảm thống nhất", ông Cường nêu rõ.
Về phát triển Khu kinh tế Vân Phong, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, chủ trương thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách yêu cầu việc lựa chọn nhà đầu tư cần lưu ý một số điểm.
Thứ nhất, Khu kinh tế Vân Phong cũng như tỉnh Khánh Hòa có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình rõ cơ sở thực tiễn, tính khả thi của việc triển khai quy định: Nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về việc “đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Thứ hai, đề nghị làm rõ cơ sở, cách thức xác định tiêu chí về tổng tài sản đối với điều kiện về năng lực tài chính của Dự thảo Nghị quyết vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn một cách rõ ràng việc định giá tài sản đầu tư.
Về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thuộc phạm vi khu vực biển do tỉnh Khánh Hòa quản lý, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban cho rằng, chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế biển đối với tỉnh Khánh Hòa là cần thiết và hợp lý, phát huy được lợi thế đặc thù; đây cũng là định hướng đã được nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào việc giữ vững biển đảo.
"Do vậy, Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhất trí chủ trương có chính sách phát triển kinh tế biển, trong đó có phát triển nuôi trồng thủy sản ngoài khơi; Nhất trí việc cấp phép, giao khu vực biển chỉ được thực hiện đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam, để đảm bảo về an ninh, quốc phòng; Đi đôi với khuyến khích, cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ trong thực hiện để tránh xảy ra trường hợp doanh nghiệp nước ngoài 'núp bóng' các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam hoạt động ngoài khơi", ông Cường nói.
QUY ĐỊNH THEO HƯỚNG MỞ ĐỂ TẠO THUẬN LỢI CHO TỈNH
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng một số chính sách về quản lý tài chính, ngân sách nên quy định theo hướng mở để tạo thuận lợi cho tỉnh.
"Cần có thêm chính sách mới và đột phá đầu tư cho khu kinh tế Vân Phong. Nên chăng Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc thù thí điểm khấu trừ chi phí liên quan đến nghiên cứu phát triển trong khi tính thuế thu nhập. Đây là phương pháp rất phổ biến trên thế giới. Đồng thời tiếp tục thiết kế các quy định phân cấp, phân quyền cho tỉnh nhưng vẫn đảm bảo được sự chặt chẽ", Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến.
Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ sự nhất trí quan điểm ủng hộ Khánh Hòa phát triển, tạo điều kiện việc thực hiện theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ của Chính phủ, nhất là sự vào cuộc tích cực của Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cần nhấn mạnh thêm Khánh Hòa là một tỉnh có tiềm năng, lợi thế rất lớn trong phát triển du lịch. Tới đây khi đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được triển khai sẽ là một điểm nhấn trong thu hút du lịch. Khánh Hòa là địa điểm đến hấp dẫn của các du khách Bắc Âu, Đông Âu, Bắc Á.
Đồng thời, Khánh Hòa cũng nằm trên tuyến đường biển rất quan trọng. Đây là tuyến sôi động thứ ba của thế giới trong lưu chuyển hàng hóa, có thể thu hút đầu tư cho hoạt động về dịch vụ hàng hải, về sửa chữa tàu biển và về một số lĩnh vực liên quan đến hàng hải sẽ là lợi thế rất lớn.
Cũng cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết quá trình chuẩn bị xây dựng dự thảo Nghị quyết có sự vào cuộc rất khẩn trương của Tỉnh ủy Khánh Hòa, với sự thần tốc, khẩn trương, cầu thị, tiếp thu, có kinh nghiệm của các địa phương trước đã thông qua. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý cần tiếp tục rà soát, bổ sung, đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác, tác động chính sách, cụ thể là kinh tế - xã hội, về môi trường, đặc biệt không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh để đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả, đi vào cuộc sống của Nghị quyết.
Về hiệu lực thi hành, Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2022 và thực hiện trong 5 năm.