Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, về quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, dự thảo Luật sẽ quy định rõ 2 hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (tại Điều 43 dự thảo Luật).
Đồng thời, quy định thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (tại khoản 6 Điều 40 dự thảo Luật). Theo đó, thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm nhất đối với người sử dụng lao động được quy định: Ngày thứ 10 cuối cùng của tháng tiếp theo đối với phương thức đóng hằng tháng; ngày cuối cùng của tháng tiếp theo ngay sau chu kỳ đóng đối với phương thức đóng 3 tháng một lần hoặc 6 tháng một lần.
Dự thảo Luật cũng quy định, chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các trường hợp sau đây: Người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, nhưng quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 40 của Luật này, mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc đã đăng ký; người sử dụng lao động nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động trong vòng 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định.
Trong khi đó, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các trường hợp sau đây: Người sử dụng lao động chưa nộp, hoặc nộp hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động sau thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 43; người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định; các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 43 mà người sử dụng lao động có khả năng đóng nhưng không đóng.
Dự thảo cũng bổ sung quy định cơ quan Bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, mà người sử dụng lao động vẫn vi phạm.
Đồng thời, dự thảo cũng chỉnh lý hoàn thiện quy định về xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đó, các biện pháp xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội được đề xuất bổ sung (Điều 44) như: Nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng; ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên.
Ngoài ra, dự luật đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, Thường trực Ủy ban thống nhất quy định về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại một điều luật để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị nghiên cứu, xem xét vấn đề đối với người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng không thể đóng đúng thời hạn quy định do trở ngại khách quan, hoặc sự kiện bất khả kháng như thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tai nạn bất ngờ…, thì cần cân nhắc không xác định trường hợp này là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua, mặc dù cơ quan Bảo hiểm xã hội và các cơ quan liên quan đã có nhiều giải pháp trong công tác thu, nhưng tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.
Cũng theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bình quân giai đoạn 2016 - 2022 là trên 10.000 tỷ đồng/năm và có xu hướng gia tăng trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19. Xét theo thời gian, số chậm đóng kéo dài trên 3 năm hiện chiếm tỷ trọng cao, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 trên 30%.
Tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không chỉ gây nên tình trạng thất thu cho Quỹ Bảo hiểm xã hội, nợ đọng quỹ, mà còn gây thiệt thòi, khiến người lao động không được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đề nghị, các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội và cơ quan quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội cần có thẩm quyền nhiều hơn trong việc xử phạt các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi bảo hiểm xã hội.
Đặc biệt, cần bổ sung chức năng xử phạt khi phát hiện trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bởi hiện nay mới được phát hiện.