Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Đó là nguyên văn điều 74 của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chiều 8/8.
Quy định này, theo nhận xét của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu là một bước thụt lùi so với luật hiện hành.
Điều 71 Luật Giáo dục 1998 nói rõ thang, bậc lương của nhà giáo là một trong những thang, bậc lương cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp của Nhà nước. Còn nói như điều 74 của dự thảo luật sửa đổi thì quá mờ nhạt, không rõ, ông Lưu nhấn mạnh.
Báo cáo một số vấn đề lớn tại dự án luật của Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng đề cập về chính sách lương của nhà giáo.
Báo cáo nêu rõ, nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 8 (1996) khẳng định: "Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh. Giáo viên phải có đủ đức tài." Do đó phải tập trung đầu tư, phát triển đội ngũ nhà giáo bằng nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về tiền lương: "Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ độ phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng do Chính phủ quy định". Và Luật giáo dục 1998 đã thể chế hoá quan điểm trên.
Năm 2013, nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 tiếp tục khẳng định: "Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng."
Điều này cho thấy sự nhất quán trong chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo và chính sách tiền lương của nhà giáo tương xứng với vị trí, vai trò đó, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhấn mạnh.
Trong khi đó, nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 khẳng định nguyên tắc xây dựng chính sách lương mới đối với người lao động phải theo vị trí việc làm, phù hợp với mức độ phức tạp của công việc, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; làm sao để tiền lương thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, cơ quan thẩm tra phân tích.
Do vậy, Thường trực Ủy ban xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để thể chế hóa quan điểm của Đảng về chính sách lương nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, có thang, bảng lương riêng tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội.
Phần thảo luận sau đó không nhiều ý kiến tập trung về vấn đề tiền lương. Ngoài nhận xét của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì có một số ý kiến bày tỏ đồng tình quan điểm cần thể chế hoá chính sách tiền lương trong dự thảo luật, như quan điểm của uỷ ban thẩm tra.
Bên cạnh tiền lương, báo cáo của uỷ ban cũng thể hiện quan điểm về chi phí dịch vụ giáo dục.
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định về xác định mức thu học phí căn cứ theo hạch toán chi phí dịch vụ giáo dục, đồng thời quy định rõ các hợp phần để làm căn cứ tính chi phí dịch vụ giáo dục.
Để phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ và minh bạch trong tài chính giáo dục, cũng như bảo đảm quyền lợi của người học, Thường trực Ủy ban đề nghị bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về định mức kỹ thuật - kinh tế trong xác định chi phí dịch vụ giáo dục (chi phí đơn vị trong giáo dục, đào tạo). Từ đó, giao Chính phủ hoặc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương quy định chi tiết việc xây dựng, thẩm định và ban hành các định mức kỹ thuật - kinh tế trong giáo dục và đào tạo phù hợp với từng cấp học/trình độ đào tạo, từng khu vực, làm căn cứ để tính chi phí giáo dục bảo đảm chất lượng đầu ra và xác định khung học phí, mức học phí phù hợp.
Trước nhiều băn khoăn được nêu tại phiên thảo luận, nhất là việc có bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay không, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuận Nhạ xin lùi đến kỳ họp thứ bảy của Quốc hội (tháng 5/2019) mới trình lại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) để Quốc hội tiếp tục xem xét.