Dữ liệu thống kê mới nhất từ FiinTrade cho thấy, dòng tiền vào 16 quỹ ETFs và 8 quỹ chủ động trên thị trường tiếp tục ở trạng thái âm trong tháng 5/2023 với giá trị rút ròng là hơn 1,4 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 79,6% so với tháng 4/2023.
Trong đó, các quỹ nước ngoài ghi nhận rút ròng hơn 651 tỷ đồng, tương đương gần 45% tổng giá trị rút ròng ở 24 quỹ này trong tháng 5/2023 và khoảng 21% giá trị bán ròng của khối ngoại trên HOSE.
Cụ thể, với nhóm ETFs, các quỹ ETFs đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận rút ròng gần 1,2 nghìn tỷ đồng trong tháng 5/2023, tăng 57,4% so với mức rút ròng trong tháng 4/2023. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp dòng tiền vào các quỹ ETFs ở trạng thái âm sau khi vào ròng gần 21 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng liên tục trước đó.
Tính lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, các quỹ ETFs vẫn hút ròng hơn 4,6 nghìn tỷ đồng, chủ yếu nhờ dòng tiền mạnh vào các quỹ ETFs ngoại trong Q1-2023 (gần 6,2 nghìn tỷ đồng).
Động thái cần theo dõi đó là dòng tiền bị rút ròng ở cả quỹ ETFs trong nước và nước ngoài trong tháng 4 và tháng 5/2023, trong đó: Nhóm quỹ ETF nội ghi nhận rút ròng tháng thứ tư liên tiếp, với khối lượng tăng mạnh rút ròng hơn 826 tỷ đồng, so với mức rút 340 tỷ đồng trong tháng 5. Lực rút chủ yếu đến từ hai quỹ do Dragon Capital quản lý, cụ thể là VFMVN Diamond ETF và VFM VN30 ETF.
Các quỹ ETFs nước ngoài rút ròng tổng cộng gần 360 tỷ đồng trong tháng 5, đánh dấu tháng rút ròng thứ 2 liên tiếp. Đóng góp lớn nhất là từ quỹ iShare MSCI Fronter and Select EM ETF với động thái rút ròng hơn 266 tỷ đồng. Tiếp đến là hai quỹ VanEck Vietnam ETF và xtrackers FTSE Vietnam Swap ETF. Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF có biến động không đáng kể về dòng tiền trong tháng 4-5/2023.
Đối với 8 quỹ chủ động bao gồm VEIL, động thái rút ròng bất ngờ tăng lên đáng kể trong tháng 5/2023, ở mức gần 270 tỷ đồng, trong khi thường duy trì dưới 70 tỷ đồng trong 3 tháng trước.
Trước đó trong tháng 4, các ETF ngoại đã đảo chiều rút ròng tổng cộng 418.7 tỷ đồng trong tháng 4, đánh dấu tháng rút ròng đầu tiên kể từ tháng 4/2022.
Rút ròng lớn nhất diễn ra ở quỹ Vaneck với giá trị rút ròng lên đến 590 tỷ đồng trong khi đó tốc độ giải ngân từ Fubon Việt Nam đã hạ nhiệt đáng kể khi chỉ ghi nhận vào ròng 90.1 tỷ đồng so với 1.528 tỷ đồng ở tháng 3. Tuy nhiên dòng tiền đã bắt đầu cải thiện phần nào trong nửa cuối tháng 4 và sau khi hoàn thành hồ sơ cho phép nâng hạn mức từ Uỷ ban Chứng khoán Đài Loan, quỹ ETF Fubon Việt Nam đã huy động tổng cộng được 56,8% hạn mức cho phép.
Với nhóm quỹ ETF nội, ghi nhận rút ròng tháng thứ 2 liên tiếp, với khối lượng giảm nhiệt chỉ rút ròng 338 tỷ đồng, so với mức rút 620 tỷ đồng trong tháng 3. Lực rút chủ yếu đến từ nhóm VNDiamond bị rút 272 tỷ đồng trong khi tốc độ rút từ nhóm VN-Finlead bị rút 28 tỷ đồng và VFM VN30 bị rút 44 tỷ đồng đã thu hẹp đáng kể.
Đánh giá về dòng vốn ngoại, quỹ SGI Capital cho rằng điều này là khá ngạc nhiên trong bối cảnh định giá Việt Nam không đắt, USD Index giảm, và thị trường tài chính thế giới ổn định sau nỗ lực của các NHTW. Một số thị trường được cho là hưởng lợi từ đà phục hồi của Trung Quốc như Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan, cũng bị chốt lời và giảm trong tháng 4 có thể là một lý do.
Tuy nhiên, việc Việt Nam đi ngược thế giới trong điều hành lãi suất gần đây có thể tạo nên những áp lực về tỷ giá khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài trở nên thận trọng hơn. Nếu điều này là đúng, việc SBV tiếp tục hạ lãi suất điều hành ngược chiều với FED và ECB một lần nữa có thể tạo hiệu ứng tiêu cực về dòng vốn nước ngoài thời gian tới.