Đến năm 2030, tỉnh Gia Lai sẽ là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%.
HAI TUYẾN CAO TỐC VÀ 01 TUYẾN ĐƯỜNG SẮT ĐI QUA
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tỉnh Gia Lai sẽ hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu. Chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển kinh tế rừng gắn với phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, tạo sinh kế cho người dân. Đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên với mô hình du lịch xanh…
Trong giai đoạn này, Gia Lai sẽ có 02 tuyến cao tốc đi qua gồm: cao tốc Pleiku - Quy Nhơn dài 104 km; còn cao tốc Bắc Nam phía Tây, đoạn qua Gia Lai dài 97 km (Ngọc Hồi, Kon Tum đi Pleiku và Pleiku đi Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Ngoài ra, sẽ xây dựng tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên từ Đà Nẵng đi các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông) tới tỉnh Bình Phước dài 550 km. Khổ đường 1.435 mm, đường đơn, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là "cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe", điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa.
Với đặc trưng vùng sinh thái nhân văn cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng, Gia Lai sẽ tái lập hệ sinh thái đặc sắc trên địa bàn tỉnh, tăng cường đa dạng sinh học vùng Nam Trường Sơn, bảo vệ cấu trúc địa chất núi lửa Tây Nguyên.
Một trong các đột phá phát triển Gia Lai là đột phá về mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên sinh thái: Phát triển lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng và có sức cạnh tranh cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo tồn và phục hồi hành lang đa dạng sinh học. Xây dựng Chuỗi công nghiệp - nông nghiệp. Hình thành Cụm liên ngành du lịch - thể thao - sức khỏe. Tham gia các cam kết thúc đẩy nền kinh tế các - bon thấp và xanh…
TẬN DỤNG KINH TẾ CỬA KHẨU
Nằm tại khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Gia Lai sẽ là đầu mối kết nối hàng hóa, du lịch, dựa trên các dịch vụ về thương mại, du lịch cửa khẩu, logistics, kho bãi, sản xuất nông cụ, chế biến nông, lâm sản và trao đổi văn hoá, triển lãm quốc tế. Trong đó, cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là cửa ngõ quan trọng trên Hành lang Đông - Tây kết nối vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên.
Cảng hàng không Pleiku hướng tới là cửa ngõ quốc tế trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá của tiểu vùng Bắc Tây Nguyên.
Theo đó, quy hoạch được duyệt hướng Gia Lai phát triển theo cấu trúc không gian 03 hành lang kinh tế và 04 tiểu vùng sinh thái - kinh tế.
Trong đó, 04 tiểu vùng sinh thái - kinh tế, gồm: Vùng 1: Thành phố Pleiku - đô thị Chư Sê - Đak Đoa - Chư Păh là trung tâm thương mại tổng hợp của vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Vùng 2: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là khu vực tập trung các hoạt động công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu giữa khu vực Đông Bắc Campuchia với khu vực Tây Nguyên và cảng biển Quy Nhơn.
Vùng 3: Thị xã An Khê - Thị trấn Kbang là vùng đệm sinh thái lâm nghiệp, trung tâm du lịch văn hóa và sinh thái của tỉnh.
Vùng 4: Thị xã Ayun Pa - Phú Thiện - Krông Pa là trung tâm nghiên cứu, thực nghiệm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi.
03 hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (gắn với quốc lộ 14): Kết nối khu vực phía Bắc với tỉnh Kon Tum, khu vực phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên, TP.HCM. Là hành lang thương mại - dịch vụ - công nghiệp của tỉnh, liên kết các đầu mối hạ tầng cơ sở cấp vùng, các cơ sở công nghiệp dọc tuyến và các khu chức năng khác.
Hành lang kinh tế Đông - Tây (gắn với quốc lộ 19): Kết nối từ cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến TP. Quy Nhơn, liên kết phát triển địa bàn các đô thị: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, thị trấn Chư Ty, TP. Pleiku, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ và Thị xã An Khê. Là hành lang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, trung tâm trung chuyển logistics, thông thương hàng hóa giữa Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) với cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
Hành lang kinh tế quốc lộ 25: Kết nối với tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, liên kết phát triển các địa bàn đô thị TP. Pleiku, huyện Chư Sê, huyện Chư Pưh, huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa. Kết nối tỉnh Gia Lai với Khu kinh tế Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Khu kinh tế Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên). Đây là hành lang phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
Pleiku kêu gọi đầu tư nhiều dự án
Năm 2020, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai được công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Gia Lai, tại Quyết định số 146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/01/2020.
Giữa năm 2023, UBND TP. Pleiku đã triển khai lập quy hoạch phân khu làm cơ sở lập dự án đầu tư chi tiết cho 17 dự án, gồm: 08 dự án khu dân cư, khu đô thị, khu biệt thự; 08 dự án hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch và 01 dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Trong đó, một số dự án có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, như dự án: Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya (tổng mức đầu tư dự kiến 5.000 tỷ đồng); tổ hợp thương mại-dịch vụ-shophouse (tổng mức đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng); dự án khu miệng núi lửa âm làng Ốp (tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 300-400 tỷ đồng); khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tổng mức đầu tư 137 tỷ đồng); Trung tâm thương mại 337 Trường Chinh (tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng); dự án chợ đầu mối (tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng)...