Hà Nội "mới" với diện tích hơn 3.300 km2, được coi là có tiềm năng lớn về đất đai để lập quy hoạch đô thị.
Về vấn đề lập quy hoạch cho vùng Hà Nội sau ngày hợp nhất, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Qui hoạch - Kiến trúc Hà Nội.
Đặc sắc Việt kết hợp tư vấn ngoại
Với diện tích đất đai được mở rộng rất lớn hiện nay, theo ông, việc lập quy hoạch đô thị Hà Nội mới cần được xây dựng trên những quy chuẩn nào?
Sau khi hợp nhất, không gian Hà Nội được mở rộng, phong phú hơn rất nhiều. Điều đó cho phép mở ra những phương án quy hoạch, bố trí chắc chắn là hợp lý hơn so với địa bàn cũ.
Tuy nhiên, cách bố trí, lập quy hoạch cụ thể như thế nào cho vùng Hà Nội mới được mở rộng, đến lúc này vẫn còn là một ẩn số, mà hiện các cơ quan quản lý vẫn đang nghiên cứu thận trọng, chu đáo.
Chúng ta đã và đang chuẩn bị những gì cho việc lập quy hoạch cụ thể của vùng Hà Nội mới?
Việc lập quy hoạch cụ thể của Thủ đô đã được chuẩn bị một số nghiên cứu định hướng trên nền tảng chung, định hướng chung là quy hoạch vùng thủ đô mà Chính phủ đã phê duyệt.
Song song với việc nghiên cứu lập và trình duyệt vùng thủ đô, điều đặc biệt, việc tổ chức nghiên cứu đợt này sẽ được kết hợp chặt chẽ giữa các tư vấn nước ngoài, khai thác những kinh nghiệm, kiến thức của những nước, thành phố đi trước, đã có kinh nghiệm với chủ trương, định hướng các phong tục tập quán, văn hóa của Hà Nội, của Việt Nam.
Chúng ta đã tổ chức mời rộng rãi tư vấn quốc tế. Qua tuyển chọn, 3 nhà tư vấn quốc tế được chọn vào vòng 1, gồm nhà tư vấn của Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Thưa ông, chúng ta sẽ sử dụng những tiêu chí nào để lựa chọn nhà tư vấn?
Ngày 2/8, ý tưởng của các nhà tư vấn này đã được báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở các báo cáo nghiên cứu bước đầu về những ý tưởng của tư vấn nước ngoài cộng với những định hướng dự kiến của Nhà nước, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà tư vấn.
Nhà tư vấn được lựa chọn, trước hết phải có năng lực, kinh nghiệm và tiềm lực. Tiềm lực, năng lực đó phải được thực hiện thông qua những việc thực tế họ đã làm, đã phải thực hiện những dự án quy hoạch cho những thành phố lớn, ít nhất là với quy mô như Hà Nội.
Tuy nhiên năng lực còn phải được thể hiện thông qua các ý tưởng. Đó là những ý tưởng phải khai thác một cách tối ưu các điều kiện tự nhiên, về lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng thủ đô cũng như phản ánh được các định hướng chiến lược kinh tế xã hội của Nhà nước, thủ đô. Nhà tư vấn nào đạt được sự kết hợp cao nhất thì sẽ được lựa chọn.
Nhiều chuyên gia góp ý, không nên xây dựng Hà Nội theo bất cứ một mô hình của một đô thị nào cả, mà cần xây dựng đô thị có bản sắc riêng. Theo ông, để có bản sắc riêng thì cần đưa ra những tiêu chí gì để định hướng?
Một trong tiêu chí để xem xét các ý tưởng chính là ở sự độc đáo của các ý tưởng, nghĩa là Hà Nội không thể giống các đô thị đã có. Đây là một trong những tiêu chí khi lựa chọn ý tưởng.
Còn bản sắc của Hà Nội đương nhiên phải gắn với lịch sử, văn hóa, gắn với điều kiện tự nhiên, với con người. Nên những ý tưởng phải khai thác được tối đa những đặc điểm đó và kết hợp được tốt nhất với các trách nhiệm quốc tế với trình độ khoa học công nghệ trong quản lý phát triển đô thị thế giới.
Vậy đề án quy hoạch Thủ đô bao giờ sẽ được công bố cụ thể?
Thủ tướng đã xác định, đến năm 2010, khi chúng ta tiến hành kỉ niệm một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ công bố quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội.
Có những quy hoạch sẽ thay đổi
Đến năm 2010 mới công bố quy hoạch chuẩn của Thủ đô Hà Nội, vậy việc quản lý quy hoạch cũng như cấp phép cho các dự án hiện tại sẽ được tiến hành như thế nào?
Trong lúc chưa xác định ý tưởng chung cho quy hoạch Thủ đô thì cái khung bây giờ vẫn là khung quy hoạch vùng mà Thủ tướng đã phê duyệt. Thứ hai là quá trình quy hoạch đương nhiên không thể chờ làm xong quy hoạch mới thực hiện.
Hai quá trình phát triển và nghiên cứu quy hoạch đều phải được tiến hành, nghiên cứu đến đâu thì cho phép ứng dụng, triển khai trong thực tế đến đó đối với những dự án đã chín muồi, được phân tích đánh giá tốt. Mặt khác, sự phát triển trong thực tế có thể lại chi phối, ảnh hưởng ngược trở lại đối với các nghiên cứu.
Theo ông, liệu các nhà đầu tư có gặp rủi ro, nếu có những dự án sau này không nằm trong quy hoạch chuẩn?
Rủi ro chắc là có, nhưng nói bao nhiêu thì tôi chưa dám khẳng định. Tuy nhiên, nếu rủi ro ở khía cạnh đầu tư, nghĩa là có những thay đổi về định hướng, thì chuyện đó cũng có thể xảy ra với một số dự án nào đó.
Với những dự án được cấp phép tại các địa phương đã sáp nhập, nhưng lại trái với quy hoạch bây giờ mới ban hành, thì hướng xử lý sẽ như thế nào?
Những dự án đó sẽ được tổng hợp, phân tích, đánh giá và sẽ phải xin ý kiến thành ủy, ủy ban. Bởi vì sự xử lý những việc đã có trong thực tế còn phải cân nhắc nhiều mặt, mà cũng không phải thẩm quyền riêng của một sở mà nhiều cơ quan chức năng.
Thưa ông, có một quy hoạch khá quan trọng là đề án thành phố bên sông Hồng. Nhưng theo quy hoạch, nhà thiết kế Hàn Quốc chỉ làm khoảng 40 km. Bây giờ Hà Nội "mới" có vùng sông Hồng rất rộng, vậy thì tới đây nhà thiết kế sẽ gắn kết nó như thế nào?
Đúng. Khi Hà Nội mở rộng phạm vi sông Hồng trên địa bàn Hà Nội sẽ không còn giới hạn ở 40 cây số nữa. Cho nên nhiệm vụ nghiên cứu, khai thác đảm việc thoát lũ, cũng như an toàn đối với sông Hồng đặt ra cho Hà Nội sẽ lớn hơn địa bàn cũ rất nhiều.
Dự án sông Hồng đã hợp tác với Hàn Quốc có những giới hạn, có cái khung đã được thống nhất giữa hai bên. Việc có mở rộng ra hay không cần phải có sự thỏa thuận của hai bên.
Tuy nhiên, việc giải quyết các vấn đề với sông Hồng sau khi mở rộng là một nhiệm vụ thực tế mà Hà Nội sẽ giải quyết, dù không bằng dự án hợp tác này thì cũng bằng các dự án khác.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate