Theo thông tin từ UBND TP.Huế, Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu vực Kinh thành Huế vừa được địa phương phê duyệt. Trong đó, khu vực lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính các phường Đông Ba, Tây Lộc, Thuận Hòa, Thuận Lộc; với diện tích 767,19ha; dân số quy hoạch đến năm 2045 là 66.000 người.
Về tính chất, đây là khu vực trung tâm đô thị lịch sử gắn với công tác tu bổ, phục hồi, bảo tồn và khai thác các giá trị của di tích Kinh thành Huế, là hạt nhân của quần thể di tích Cố đô Huế, di sản cấp quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới; là khu dịch vụ du lịch gắn với hệ thống các thiết chế văn hóa đa dạng như: bảo tàng, đình, chùa, công viên… mang đậm phong cách và văn hóa Huế; là khu dân cư được chỉnh trang hài hòa với những hoạt động liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy quần thể di tích của Kinh thành Huế.
Vì vậy, trong việc tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan, đối với phân khu chức năng, khu vực lập quy hoạch dự kiến phân chia thành 5 phân khu.
Khu vực trung tâm Kinh thành (quy mô 158,7ha) có hạt nhân là khu vực Hoàng thành ở trung tâm và toàn bộ không gian mặt phía Nam của Kinh thành Huế tiếp giáp sông Hương. Khu vực này sẽ được chỉnh trang không gian trước mặt Kỳ đài, hệ thống công viên ven sông Hương, nghiên cứu phương án chiếu sáng nghệ thuật. Đồng thời cũng có kế hoạch chỉnh trang, mở rộng khu vực bến xe Nguyễn Hoàng, bến xe Đông Ba để phục vụ du lịch, cải tạo chỉnh trang tuyến phố thương mại từ cầu Phú Xuân đến chợ Đông Ba; khai thác các tuyến phố đêm xung quanh Hoàng thành (Lê Huân, Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm) để thúc đẩy phát triển du lịch.
Khu vực Đông nam Kinh thành (quy mô 163,3ha) gồm phần lớn diện tích phường Đông Ba, là khu vực có hệ thống di tích đa dạng, phong phú, tập trung thành 2 cụm lớn: Cụm di tích Tam Tòa – Điện Long An – Quốc Tử Giám – Lục Bộ được bảo tồn thích ứng theo hướng tạo dựng khu phố đi bộ; cải tạo, chỉnh trang cảnh quan công viên Nguyễn Văn Trỗi theo hướng trở thành địa điểm tổ chức sự kiện văn hóa, kết nối hoạt động du lịch di sản giữa Đại Nội, khu Lục Bộ và khu Tam Tòa. Cụm di tích các hồ Tịnh Tâm – lầu Tàng Thơ – hồ Học Hải được tu bổ, phục hồi, tôn tạo cảnh quan để tạo thành không gian mở, là công viên lõi xanh trong đô thị…
Khu vực Tây nam Kinh thành (quy mô 105,6ha) gồm phần lớn diện tích phường Thuận Hòa, có các di tích như Đàn Xã Tắc, Đàn Âm Hồn, các hồ Võ Sanh, Tân Miếu, hồ Xã Tắc… được trùng tu, bảo tồn gắn với chỉnh trang không gian cảnh quan đô thị.
Khu vực Đông bắc Kinh thành (quy mô 154,6ha) gồm phần lớn diện tích phường Thuận Lộc; tổ chức các không gian văn hóa, lễ hội gắn với dịch vụ du lịch tại khu vực Mang Cá, hình thành và khai thác tuyến du lịch đường thủy trên sông Ngự Hà, bổ sung bãi đỗ xe tập trung tại khu vực bên ngoài Cửa hậu, bãi đỗ xe kết hợp công viên dọc đường Đinh Tiên Hoàng để phục vụ hoạt động văn hóa, lễ hội, dịch vụ du lịch.
Khu vực Tây bắc Kinh thành 185,2ha gồm phần lớn diện tích phường Tây Lộc, chủ yếu là khu vực dân cư hiện hữu chỉnh trang, tập trung các thiết chế đô thị như trung tâm thể dục thể thao, chợ Tây Lộc….