Ngày 25/10, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã tổ chức diễn đàn “Quy hoạch đô thị ven sông Hồng - Chuyên đề II: Điểm sáng phía Đông” tại Hà Nội.
Tại diễn đàn, Phó Giám đốc Trung tâm quy hoạch kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, đồ án phân khu đô thị sông Hồng tỉ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quy mô gần 11.000 ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện được Hà Nội phê duyệt ngày 25/3/2022 đã thay đổi cách tiếp cận, theo nguyên tắc thuận thiên, lấy phòng chống lũ làm hàng đầu, cải tạo khu vực dân cư hiện hữu, bảo đảm chất lượng sống cho người dân hai bên sông, bảo tồn các công trình di tích… kết hợp khai thác quỹ đất mới nhằm thiết lập diện mạo hai bên sông Hồng, tạo không gian hài hoà phát triển.
THEO NGUYÊN TẮC THUẬN THIÊN
Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cũng nhấn mạnh tới 3 khu vực chính: khu vực dân cư được tồn tại phát triển không gian sinh thái, bảo tồn tính tự nhiên; khu vực được xây dựng mới; phần còn lại là khu vực trục không gian xanh-khu vực không được xây dựng, bao gồm sông Hồng chiếm 30% diện tích, và các không gian bãi sông, công viên đô thị, công viên sinh thái ở bãi sông chiếm gần 50%. Như vậy, trục không gian cây xanh, mặt nước chiếm 80% là yếu tố quan trọng quyết định sông Hồng thành không gian cảnh quan, không gian xanh của thủ đô Hà Nội.
Ở góc độ kiến trúc sư, Chánh Văn phòng, Ủy viên thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng đánh giá, xuyên suốt Quy hoạch chung của Hà Nội đều lấy sông Hồng làm trục phát triển là ý tưởng tốt. Đặc biệt, tại Quy hoạch chung của TP.Hà Nội năm 2011, trục sông Hồng chính thức hiện thực hoá và nằm trong thành phố.
Theo ông Tùng, trước đây quan điểm của chúng ta xem trục sông Hồng như đường biên phát triển Hà Nội. Nhiều bệnh viện trong nội đô di dời ra khỏi thành phố chủ yếu về phía Nam, các trường đại học di dời về phía Tây, chưa có trường học đi qua sông Hồng về phía Đông. Từ góc nhìn thực tế, trong giai đoạn phát triển vừa qua, ước tính có khoảng 40.000 dân sống ở đại đô thị ven đô nhưng trên mỗi năm TP.Hà Nội tiếp nhận gần 20 vạn dân, tương đương với quy mô một huyện. Mong muốn đưa dân ra khỏi nội đô hình như còn mơ hồ. “Tôi hay đặt câu hỏi tại sao? Tôi không nghi ngờ về quy hoạch nhưng để những điểm sáng phía Đông xuất hiện ngày càng nhiều, vai trò của chính quyền rất quan trọng”, chuyên gia chia sẻ.
Nêu quan điểm, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Nguyễn Văn Đính khẳng định: “Là những người làm bất động sản, chúng tôi đánh giá quy hoạch cực kỳ quan trọng, có quy hoạch mới tạo ra việc sử dụng đất hiệu quả, tạo ra các khu kinh tế và hệ thống hạ tầng xã hội. Việc hiện thực hóa quy hoạch mang đến ý nghĩa về phát triển kinh tế, đặc biệt phát triển hệ thống bất động sản”. Theo ông Đính, nhằm triển khai kế hoạch có tính khả thi cao, tạo động lực phát triển tốt, đầu tiên nên ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng, như công trình về trường học, bệnh viện, dịch vụ vui chơi giải trí, thương mại... Song song với đó cũng cần quản lý bảo vệ đất đai, đặc biệt những khu vực đã công bố quy hoạch. Điều này hết sức quan trọng để thực hiện đúng được nội dung, tư tưởng quy hoạch.
Tương tự, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kinh doanh và phát triển địa ốc Vietstarland Hoàng Đình Khiêm cho rằng những dịch chuyển từ khu phố cổ sang khu phố mới tại phía Đông, tạo ra thành phố kinh doanh thương mại sầm uất đa chiều. Trong tương lai với việc phát triển thực sự về bất động sản, Đồ án quy hoạch sông Hồng sẽ biến Hà Nội thành điểm đến của du khách quốc tế, các nhà đầu tư. Bất động sản ở đây sẽ chống lại được lạm phát cũng như sự phát triển không ổn định của thị trường.
MỘT BƯỚC TIẾN LỚN CỦA HÀ NỘI
Xoay quanh vấn đề này, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Đỗ Viết Chiến nhấn mạnh quy hoạch phân khu của sông Hồng là một bước tiến lớn của Hà Nội và cần tổ chức triển khai ngay, nhưng hiện nay mới dừng ở mức quy hoạch. Nếu không làm nhanh thì quỹ đất ven sông, nguồn lực nuôi đô thị sẽ bị triệt tiêu, mà cụ thể bãi Tứ Liên đã thành khu đô thị tự phát. Ông Chiến kiến nghị “để quản lý, trên cơ sở phân vùng, các hành lang cấm, hạn chế xây dựng bắt buộc lập hồ sơ, cắm mốc ngoài thực địa, giao cho chính quyền địa phương quản lý từng khu vực, ít cũng phải giữ”.
Bên cạnh đó, mặc dù việc tổ chức di dân cuốn chiếu nhưng thực hiện công tác này đang gặp khó khăn. Vì vậy ông Chiến nêu quan điểm, cần xác định lại quỹ đất hiện còn để quản lý, giữ lại, tránh thất thoát. Trên quy hoạch phân khu được duyệt, cần xác định, hình thành các dự án và phân ra 3 loại cụ thể: bắt buộc đấu thầu; xã hội hóa; nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhấn mạnh phía Bắc, phía Đông vẫn còn dư địa phát triển nhưng theo ông Chiến phải bắt tay vào thực hiện ngay quy hoạch để kiến tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tìm đến trong thời gian tới.
Còn theo Trưởng phòng Quy hoạch kiến trúc, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Trần Hoàng Linh, về phát triển quy hoạch sông Hồng, Sở Kiến trúc đã có tham mưu với UBND TP.Hà Nội để thực hiện. Sau khi quy hoạch xây dựng, các cấp chính quyền cùng Sở, ngành triển khai phải lập ranh giới giữa các khu dân cư. Trên cơ sở ranh giới đó, chúng ta sẽ tiến hành các quy hoạch chi tiết để bảo tồn, tôn tạo các khu dân cư, bổ sung các hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật cho khu này.