June 14, 2010 | 12:56 GMT+7

Quy hoạch Thủ đô: Chưa rõ động lực kinh tế để phát triển Hà Nội

Nguyên Hà

Sự băn khoăn, lo lắng của Quốc hội thể hiện ở hầu hết các nội dung của đồ án quy hoạch Thủ đô

Đại biểu Quốc hội xem sơ đồ quy hoạch Thủ đô tại hành lang Quốc hội - Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Quốc hội xem sơ đồ quy hoạch Thủ đô tại hành lang Quốc hội - Ảnh: TTXVN.
Quy hoạch Thủ đô chưa rõ động lực kinh tế để phát triển Hà Nội, dễ dẫn đến quy hoạch treo…là ý kiến ở không ít các tổ đại biểu khi Quốc hội thảo luận về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Báo cáo tổng hợp các ý kiến này vừa được gửi đến các vị đại biểu, trước khi Quốc hội thảo luận về đồ án này tại hội trường vào sáng mai (15/6).

Theo đó, sự băn khoăn, lo lắng của Quốc hội thể hiện ở hầu hết các nội dung của đồ án.

Quốc hội nên có nghị quyết

Đối với những vấn đề chung, báo cáo cho biết nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết phải có quy hoạch để trên cơ sở đó có sự quản lý, xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh. Quy hoạch đã bám sát Luật Quy hoạch đô thị và các văn bản có liên quan.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy hoạch này chưa theo sát chủ trương để thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Vì, khi phân tích nghị quyết này, các đại biểu Quốc hội cho rằng, khi trung tâm hành chính – chính trị quốc gia vẫn là khu vực Ba Đình và các quận nội thành thì khu vực Ba Vì là căn cứ hậu phương.

Nếu đưa trung tâm  hành chính quốc gia về Ba Vì như tại đồ án này thì đó sẽ trở thành căn cứ tiền phương. Thêm nữa, nhiều đại biểu cũng cho rằng điều đó không ổn về phong thủy và mang tính phân tán.

Nhiều ý kiến cho rằng quy mô quy hoạch quá lớn và được chuẩn bị trong thời gian quá ngắn nên khó có tính khả thi cao, báo cáo nêu rõ.

Theo một số ý kiến khác thì quy hoạch này chưa thể hiện được lợi ích quốc gia, chưa rõ động lực kinh tế để phát triển thủ đô, tầm nhìn quá xa, quá dài, quy hoạch treo 40 năm làm cho người dân không yên tâm khi nơi ở thuộc vào vùng quy hoạch.

Đáng chú ý, theo quan điểm của nhiều đại biểu, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên sau khi thảo luận Quốc hội nên có nghị quyết hoặc văn bản có tính pháp lý để thể hiện trách nhiệm của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

Vùng Thủ đô hay siêu đô thị?

Liên quan đến những vấn đề cụ thể hơn cần giải quyết trong quy hoạch, có ý kiến băn khoăn vì quy hoạch này gần như phá vỡ mọi quy hoạch từ trước và không thể hiện rõ có tiếp nối những quy hoạch trước không.

Ý kiến tại 4 tổ thảo luận phân vân vì chưa rõ mô hình đô thị của Hà Nội sẽ là vùng thủ đô hay siêu đô thị. Xu thế trên thế giới hiện nay là không phát triển các siêu đô thị với dân số trên 10 triệu dân vì nảy sinh nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, chính trị.

Nếu phát triển vùng Hà Nội thì chưa rõ các đô thị đối trọng là các đô thị nào, trục giao thông “con thoi” phát triển ra sao giữa các vùng đô thị đối trọng và đô thị hạt nhân. Nên phát triển Thủ đô Hà Nội theo hướng vùng Hà Nội với các đô thị đối trọng, tránh hình thành siêu đô thị, đại biểu đề nghị.

Đáng chú ý, ý kiến ở 7 tổ cho rằng, việc đưa trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì trong khi trung tâm chính trị vẫn ở Ba Đình là “rất phi thực tế và lãng phí”.

Có đến 8 tổ có ý kiến nên đưa trung tâm hành chính về các khu vực gần trung tâm hiện nay như Hồ Tây, Thanh Xuân, xây dựng thành phố ven sông…. và gắn kết được chính trị, hành chính mà không cần chuyển trung tâm hành chính đi xa như vậy.

Nhiều vị đại biểu cũng cho rằng, vốn đầu tư phát triển Hà Nội theo quy hoạch là không khả thi, nhất là khi đồng thời có nhiều dự án lớn như dự án đường sắt cao tốc, nhà máy điện hạt nhân.

Đại biểu ở 3 tổ thảo luận cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc, chưa nên phê duyệt quy hoạch Thủ đô vào tháng 8 năm nay để hoàn thiện tốt hơn nữa, lấy thêm ý kiến nhân dân và các chuyên gia. Một số ý kiến khác đề nghị xin ý kiến Quốc hội vào kỳ họp thứ tám.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội cuối tuần qua, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trong phiên thảo luận chung tại hội trường ngày 15/6, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo bổ sung với Quốc hội kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân và ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Chính phủ sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Quốc hội để hoàn chỉnh Đồ án, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến trước khi phê duyệt, Phó thủ tướng nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate