Để đạt mục tiêu này, tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngày 5/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Vĩnh Phúc đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hạ tầng xanh, chất lượng tăng trưởng, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực,… qua đó, chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở khoa học, kinh tế, tiêu chí để định hướng, huy động, thu hút các nhà đầu tư.
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHUYÊN SÂU
Có vị trí chiến lược với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy huyết mạch kết nối liên vùng và trục hành lang kinh tế Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai – Công Minh, Vĩnh Phúc là một trong những đô thị vệ tinh quan trọng, “cửa ngõ” phía tây bắc của Thủ đô Hà Nội.
Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10,5-11%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 325 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 13%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 65%, phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I trên quy mô toàn tỉnh…
Vĩnh Phúc sẽ phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất như sản xuất các sản phẩm điện tử, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp nền tảng, chế biến thực phẩm và đồ uống tiêu chuẩn cao…; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tạo điều kiện phát triển các loại hình vận tải, kho bãi và logistics hiện đại…
Theo hướng này, Vĩnh Phúc sẽ phát triển 3 hành lang kinh tế, 3 cực tăng trưởng và 1 trục động lực.
Về hành lang kinh tế gồm có hành lang kinh tế động lực phía Đông Nam (là hành lang kinh tế đa chức năng, động lực phát triển của tỉnh, liên kết các khu vực Vĩnh Tường – Yên lạc – Bình Xuyên – Phúc Yên, đồng thời tăng cường liên kết hoạt động kinh tế với Hà Nội, Thái Nguyên…), hàng lang phát triển du lịch – đô thị nghỉ dưỡng phía Bắc (chạy dọc theo chân dãy núi Tam Đảo, kéo qua khu vực hồ Vân Trục hướng ra sông Lô), hành lang phát triển ven sông phía Tây (kết nối các huyện Yên Lạc – Vĩnh Tường – Lập Thạch – Sông Lô).
Về 3 cực tăng trưởng, gồm Vĩnh Yên (cực tăng trưởng trung tâm phát triển kinh tế, đô thị có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội), Phúc Yên (cực tăng trưởng phía Đông Nam phát triển công nghiệp – dịch vụ) và Bình Xuyên (cực tăng trưởng công nghiệp).
Về trục động lực phát triển Bắc – Nam, quy hoạch nêu rõ đây là trục liên kết Tam Đảo – Vĩnh Yên – Yên Lạc tới Hà Nội.
XÂY DỰNG LỘ TRÌNH CHUẨN BỊ CHO SỰ ĐỘT PHÁ
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; thể hiện khát vọng về thịnh vượng, đáng sống. Vĩnh Phúc sẽ đóng vai trò là một trong những cực phát triển, là hạt nhân thúc đẩy phát triển nền công nghiệp hiện đại của vùng Đồng bằng Sông Hồng, là một trong ba cực tăng trưởng của vùng Thủ đô Hà Nội. Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Vĩnh Phúc.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh khẩn trương xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong Quy hoạch; rà soát, lập, điều chỉnh, triển khai các quy hoạch chi tiết, chuyên ngành, phân khu bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá để xúc tiến thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi các quy hoạch, các nhà đầu tư tiếp cận và tiếp tục cụ thể hóa các quy hoạch không gian thông qua các chương trình, dự án được phê duyệt.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách có tính đột phá, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số, xây dựng đô thị thông minh; thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và tăng năng suất lao động làm nền tảng.
Tỉnh cần tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế vùng với các tỉnh, thành phố vùng Thủ đô; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn gồm: các dự án tạo không gian phát triển mới và những động lực, năng lực mới, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh theo hướng hiện đại và bền vững....