Ủy ban nhân dân Tp.HCM vừa giao Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp.HCM khẩn trương xây dựng Kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Tp.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
7 YÊU CẦU TRỌNG TÂM CỦA ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH
Có 7 yêu cầu trọng tâm được đặt ra cho công tác điều chỉnh quy hoạch chung.
Thứ nhất, rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2010, đánh giá tình hình thực tiễn phát triển của thành phố; các quy hoạch trên địa bàn thành phố đã được lập và phê duyệt; rà soát định hướng phát triển không gian đô thị, quy hoạch sử dụng đất, công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội của thành phố.
Chậm nhất cuối quý 3/2022 phải hoàn thành công tác lập, trình Bộ Xây dựng thẩm định đồ án quy hoạch.
Thứ hai, dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển của khu vực, các cơ hội phát triển mới, đảm bảo định hướng phát triển hài hòa với chiến lược phát triển bền vững kinh tế vùng, phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững.
Thứ ba, nghiên cứu trên nền đô thị đã hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ, đề xuất một bản quy hoạch điều chỉnh mang tính khả thi cao, phù hợp với tầm nhìn và linh hoạt ứng phó với các biến động; điều chỉnh việc sử dụng đất có hiệu quả hơn, tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất và bảo đảm khả năng dự trữ cho tương lai.
Thứ tư, triển khai những chủ trương, định hướng quan trọng của thành phố có liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị và phát triển kinh tế xã hội; phối hợp các chương trình, dự án quan trọng của thành phố trong một khung phát triển có tầm nhìn dài hạn và có tính thực thi cao.
Thứ năm, cập nhật những nội dung điều chỉnh cục bộ của quy hoạch chung thành phố trong quá trình thực hiện vừa qua trong một tổng thể quy hoạch đồng bộ; phát huy được những cơ hội và khắc phục, điều chỉnh những hạn chế.
Thứ sáu, đặc biệt, lần này sẽ xác định, đề xuất một kế hoạch ưu tiên thực hiện quy hoạch rõ ràng, cụ thể gắn với nguồn lực thực hiện; lựa chọn những vấn đề bất cập ưu tiên giải quyết (về liên kết vùng, phân bố dân cư, nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên…), cải thiện hiện trạng và đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế - xã hội thành phố.
Cuối cùng, yêu cầu phối hợp, cập nhật về dữ liệu, dự báo và định hướng phát triển thành phố với nội dung quy hoạch Tp.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tp.HCM sẽ là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế...
Dự kiến, quy hoạch chung của Tp.HCM đến năm 2040 sẽ là thành phố có 13-14 triệu dân (tầm nhìn đến năm 2060 là 16 triệu dân).
Tp.HCM sẽ là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương, là thành phố có chất lượng sống tốt, môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
THỦ ĐỨC: ĐÔ THỊ SÁNG TẠO TƯƠNG TÁC CAO
Cùng với việc giao nhiệm vụ cho Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, lãnh đạo Tp.HCM cũng đã giao thành phố Thủ Đức khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết về tiến độ lập đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, song song với công tác lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Tp.HCM.
Hạn chót ngày 15/7/2021 phải báo cáo Ủy ban nhân dân Tp.HCM thông qua sơ bộ đồ án quy hoạch, sau đó hoàn chỉnh hồ sơ đồ án quy hoạch, báo cáo trình Ban Thường vụ Thành ủy Tp.HCM thông qua đồ án quy hoạch trước ngày 15/8/2021, để kịp trình Bộ Xây dựng thẩm định đồ án quy hoạch trước ngày 15/10/2021.
Kinh phí lập đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thành phố Thủ Đức.
Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9, Thủ Đức (trực thuộc Tp.HCM). Sau thành lập, thành phố Thủ Đức hiện có diện tích hơn 211 km2, có quy mô dân số trên 1 triệu người với tổng cộng 34 phường. Vị trí địa lý giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh (Tp.HCM) và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Trọng tâm phát triển thành phố Thủ Đức theo mô hình đô thị sáng tạo tương tác cao, trở thành thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, động lực tăng trưởng của Tp.HCM và khu vực.
Theo quy hoạch chung, thành phố Thủ Đức sẽ có 1,9 triệu người vào năm 2040 (tầm nhìn đến năm 2060 là 3 triệu người). Đây là thành phố đầu tiên của Việt Nam thuộc loại hình đơn vị hành chính thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Trước đó, Ủy ban nhân dân Tp.HCM giao Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp.HCM tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo, trong đó lưu ý nghiên cứu bổ sung các trung tâm logistics theo Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn Tp.HCM đã được phê duyệt. Nghiên cứu bổ sung khu đất để đầu tư xây dựng Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ).
Đối với khu ứng dụng công nghệ cao, nội dung nghiên cứu cần thể hiện tầm nhìn đối với các sản phẩm phải mang tính cụ thể, thương mại hóa để có thể chuyển tải thành những sản phẩm đi vào thực tế; định hướng phát triển thành khu thương mại công nghệ cao. Nghiên cứu bổ sung khu đất để đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghiệp dược.
Bên cạnh đó, cần định hướng quy hoạch hệ thống sử dụng năng lượng thông minh, hệ thống viễn thông và tổ chức hạ tầng số. Chú trọng quy hoạch phát triển đô thị dọc theo tuyến metro và xung quanh nhà ga. Khẩn trương hoàn chỉnh đề án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060…
Mục tiêu của điều chỉnh quy hoạch lần này Tp.HCM sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa Tp.HCM và các địa phương lân cận, kết nối giữa các khu vực khác nhau của Tp.HCM một cách chiến lược, trọng điểm và hiệu quả; phát triển đô thị thành phố thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), theo đó phát triển đô thị mật độ cao, kết hợp chức năng xung quanh các nhà ga giao thông công cộng sức chở lớn; đảm bảo yêu cầu mối quan hệ hài hòa, hữu cơ, kết nối chặt chẽ giữa phát triển mở rộng đô thị và tái phát triển các khu đô thị hiện hữu.
Thành phố sẽ hình thành các hạt nhân của trung tâm tri thức, trung tâm y tế, văn hóa, giáo dục của vùng đô thị và hạt nhân các khu đô thị mới, củng cố cấu trúc đô thị đa cực. Mỗi người dân được đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng. Phát triển cây xanh trong các khu vực hiện hữu để có môi trường không khí đảm bảo sức khỏe người dân. Người dân được tiếp cận với thực phẩm sạch giá rẻ của nền nông nghiệp đô thị kỹ thuật cao…