Theo đó, quỹ Vietnam Holding cho biết kết thúc tháng 7 giá trị tài sản ròng (NAV) trên mỗi cổ phần tăng 0,1%, đây là con số khá khiếm tốn. Trước đó, một quỹ ngoại khác là Pyn Elite cũng báo cáo hiệu suất 0%.
Nhận định về thị trường, Vietnam Holding cho rằng sự rối loạn gần đây trên thị trường toàn cầu khiến tháng 7 như kéo dài hơn, tuy nhiên đó không phải là một tháng nhàm chán đối với Việt Nam. Nền kinh tế tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng bền vững và ghi nhận một kỷ lục mới về thặng dư thương mại 14,1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2024.
Xuất khẩu tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái, khẳng định sự tăng trưởng liên tục của nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa "Made in Vietnam". Những động lực chính trong tháng 7 là du lịch, khách sạn và dịch vụ ăn uống do tăng sức cầu du lịch nội địa. Với các chỉ số PMI cao hơn, đồng tiền ổn định và thanh khoản ngân hàng tốt, đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2024 bất chấp những bất ổn kinh tế toàn cầu, như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
Thị trường chứng khoán Việt Nam phần lớn "đi ngang" trong tháng 7 với sự biến động tăng lên. Chỉ số VN-Index đã trở nên rẻ hơn khi xét đến mức tăng trưởng lợi nhuận 18,5% của toàn thị trường trong Quý 2 và cổ phiếu Việt Nam còn hấp dẫn hơn về mặt định giá cho sự tăng trưởng dài hạn.
Quỹ kết thúc tháng với giá trị tài sản ròng (NAV) trên mỗi cổ phần tăng 0,1% nhờ nhóm ngân hàng và nhà bán lẻ tăng trưởng tốt hơn. Các công ty quy mô trung bình và nhỏ trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, công nghiệp và xây dựng bị chậm hơn trong khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh. Mặc dù lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng nhỏ so với thanh khoản thị trường hàng ngày, nhưng tâm lý nhà đầu tư trong nước vẫn bị ảnh hưởng.
Vietnam Holding tin rằng nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước thời điểm tăng trưởng đột phá và lĩnh vực tiêu dùng sẽ tăng đáng kể trong những năm tới. Trong đại dịch, quỹ đã chứng kiến sự chậm lại của sản xuất, tăng lãi suất và chi phí tăng ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng trong nhiều ngành, thúc đẩy quỹ phải điều chỉnh danh mục đầu tư. Tuy nhiên, bây giờ, với sự phục hồi ổn định trong năm nay và nỗ lực kích thích kinh tế liên tục của chính phủ, quỹ đã gia tăng tỷ trọng ở nhóm lĩnh vực tiêu dùng khi nghiên cứu cho thấy tiềm năng kinh doanh tốt hơn.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng mới là phân khúc lớn nhất trong danh mục đầu tư, và có đến 5 ngân hàng nằm trong top 10 cổ phiếu nắm giữ. Hầu hết các ngân hàng này đã tăng cường hoạt động trong lĩnh vực ESG, và nhiều ngân hàng đang đạt được tiến bộ đáng kể trong việc cam kết với Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc bằng cách cung cấp các khoản vay và các sản phẩm bán lẻ và đầu tư khác liên quan đến môi trường và xã hội.
Trong năm qua, quỹ cũng đã chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các ngân hàng khi nói đến báo cáo ESG, với MBB, ACB và VPB dẫn đầu. Quỹ này cũng kỳ vọng sẽ thấy nhiều ngân hàng Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao trải nghiệm khách hàng và mang lại các sản phẩm và dịch vụ mới cho thị trường. "Đây là điều chúng tôi sẽ quan sát trong tất cả các lĩnh vực", đại diện Vietnam Holding nhấn mạnh.