Theo số liệu của Cục Thống kê Quảng Nam, trong 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã cấp mới 7 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 124,2 triệu USD, tăng gấp 2 lần cả về số dự án và vốn đầu tư thu hút trong cả năm 2023 (4 dự án mới với tổng vốn đầu tư 58,58 triệu USD). ...
Cũng trong 5 tháng qua, tỉnh Quảng Nam đã điều chỉnh 31 dự án; trong đó có 7 dự án tăng vốn, chấm dứt hoạt động đối với 5 dự án; thông báo chấp thuận cho 7 lượt góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cho các dự án đầu tư tại tỉnh.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết trong thời gian tới, tỉnh chú trọng hướng việc thu hút đầu tư nước ngoài thiên về "chất" hơn về "lượng". Đặc biệt, các dự án đầu tư phải đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, của tỉnh, tạo nguồn thu địa phương cùng với trình độ công nghệ của dự án, sử dụng nguồn lực nội địa…
“Không tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và đời sống dân cư xung quanh vùng dự án. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư theo nhóm các ngành, lĩnh vực”, ông Bửu nhấn mạnh.
Theo ông Bửu, để thu hút vốn FDI, tỉnh sẽ tiếp tục thường xuyên trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin với tổ chức xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế như: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm xúc tiến đầu tư miền Trung, KOTRA, KORCHAM, JETRO, JICA, EUROCHAM, AMCHAM, các Tham tán thương mại tại các nước, các công ty tư vấn, môi giới về đầu tư... để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, môi trường và cơ hội đầu tư vào tỉnh Quảng Nam.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư, Tỉnh Quảng Nam tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư bằng cách trực tiếp tiếp cận, giới thiệu các cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác từ các quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, đứng đầu các chuỗi cung ứng, là thành viên cùng tham gia các Hiệp định FTA đa phương với Việt Nam (CPTPP, RCEP, EVFTA...) như: Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Song song đó, tỉnh Quảng Nam cũng thường xuyên tổng hợp, cập nhập, bổ sung thông tin Bộ tài liệu xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời điểm, từng đối tượng nhà đầu tư. Đặc biệt, chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tạo mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đề xuất Chính phủ điều chỉnh tăng chỉ tiêu đất công nghiệp để đảm bảo điều kiện xin chủ trương đầu tư xây dựng các khu công nghiệp mới, thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Từ đó, các nhà đầu tư nước ngoài này sẽ là một trong những cầu nối thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác có tiềm năng, tiềm lực đầu tư vào Quảng Nam.
Được biết, từ sau khi công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (ngày 16/3 vừa qua), UBND tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thỏa thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư… cho các nhà đầu tư của 16 dự án trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng.
Trong đó, có nhiều dự án FDI có quy mô vốn lớn như: Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng do Công ty Karcher Beteiligungs - GMBH (Cộng hòa liên bang Đức) làm chủ đầu tư; Dự án nam châm từ tính, với tổng vốn đầu tư 1.920 tỷ đồng, do Công ty Star Group Industrial Co.,Ltd (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư; Dự án sản xuất thiết bị âm thanh, với tổng vốn đầu tư 960 tỷ đồng, do Công ty Guoguang Electric Co.,Ltd (Trung Quốc) làm chủ đầu tư.