October 15, 2019 | 17:38 GMT+7

Quyền tiếp cận thông tin của cổ đông nhỏ: Chuyên gia muốn tăng, doanh nghiệp phản đối

KIỀU LINH

Trong khi chuyên gia ủng hộ giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nhỏ từ 10% xuống 1% được quyền tiếp cận thông tin trong hoạt động điều hành công ty, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phản đối

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Khoản 2, Điều 114, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây: Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát; Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết…

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông nhỏ từ 10% xuống còn 1% sẽ được quyền tham gia, tiếp cận thông tin trong hoạt động điều hành của công ty.

Chuyên gia ủng hộ

Phát biểu tại Hội thảo "Góp ý dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 15/10/2019, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (Ciem) cho biết, sửa đổi Luật Doanh nghiệp có một nội dung rất quan trọng là nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của OECD hay Basel.

Ông Hiếu lấy ví dụ về bảo vệ cổ đông, đặc biệt là quyền tiếp cận thông tin của cổ đông. Ví dụ như ở Nhật Bản chỉ cần 1% cổ phiếu là có quyền yêu cầu cung cấp thông tin doanh nghiệp. Ở Hàn Quốc áp dụng tỷ lệ 3%. 

"Chúng tôi đề xuất cổ đông sở hữu 1% cổ phần có quyền tiếp cận các thông tin sâu, so với mức 10% sở hữu trong 6 tháng liên tục hiện nay. Khi chúng tôi đưa ra ý kiến này thì rất nhiều người phản đối, đề nghị giữ nguyên mức như hiện nay, người ta lo sợ cổ đông vào quấy phá công ty", ông Hiếu cho biết.

Theo ông Hiếu, nếu muốn tăng cường khả năng quản trị dần tiếp cận theo chuẩn quốc tế thì không thể giữ tư duy thế này được. 

"Chúng tôi thấy mức 1% là hợp lý. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát với hơn 300 doanh nghiệp trên sàn HoSE, và kết luận rằng 1% cổ phần của một doanh nghiệp niêm yết là rất lớn, và không ai chịu mạo hiểm quyền lợi của mình liên quan đến 1% cổ phần để quấy phá doanh nghiệp cả", Phó Viện trưởng Ciem khẳng định.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nói: Tôi ủng hộ giảm, tuy nhiên tỷ lệ là bao nhiêu, 1%, 2% hay 3% thì còn phải xem xét kĩ song tôi tin rằng tỷ lệ 1% là hợp lý, do 1% là một tỷ lệ không hề nhỏ đối với một nhà đầu tư nên bản thân họ phải hành động dựa trên lợi ích của 1% đó.

Lãnh đạo doanh nghiệp phản đối

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Intracom lo ngại về vấn đề bảo vệ bí mật kinh doanh. Theo ông Việt, đối thủ hoàn toàn có thể mua 1% cổ phần để làm khó dễ cho doanh nghiệp. "Cổ đông muốn có quyền lợi cao thì cần chuyên nghiệp. Tôi đồng ý là giảm nhưng nếu giảm mạnh về 1% thì cần suy nghĩ kỹ", ông Việt cho hay.

Trong khi đó, ông Phan Lê Hoàng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific Corporation) cho rằng việc bỏ điều kiện sở hữu cổ phần trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng là phù hợp, vì đã là cổ đông của công ty thì đương nhiên cổ đông phải được thực hiện ngay các quyền của mình mà không phân biệt có động cũ hay cổ đông mới. 

Tuy nhiên, quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ động hoặc nhóm cổ động sở hữu từ 10% xuống còn 1% thì không phù hợp, không đảm bảo được môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp. 

"Bảo vệ quyền lợi cho cổ đông nhỏ là việc làm đúng, nhưng để ổn định công ty thi vẫn cần phải có một tỷ lệ nhất định để biểu quyết theo số đông, đảm bảo cho quyền lợi cũng như trách nhiệm cổ đông lớn", ông Hoàng nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate