Nhóm OPEC+ vào cuối tuần vừa rồi bất ngờ tuyên bố cắt giảm sản lượng khai thác dầu thêm hơn 1 triệu thùng/ngày cho tới cuối năm nay. Động thái này làm gia tăng gánh nặng đối với các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu, nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ chiến lược sản lượng của liên minh các nhà sản xuất dầu lửa khỏi sức ép chính trị từ Mỹ.
Trong quyết định cắt giảm sản lượng này, 8 thành viên của OPEC+ bao gồm Saudi Arabia - thủ lĩnh không chính thức của khối - và hai đồng minh chủ chốt Kuwait và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tự nguyện giảm sản lượng tổng cộng 1,16 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 5 cho tới hết năm nay. Đây là một sáng kiến độc lập không nằm trong chính sách chung của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Ngoài ra, Nga hồi tháng 2 tuyên bố giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 3 đến hết năm. Như vậy, tổng mức cắt giảm sản lượng tự nguyện của các thành viên OPEC+ trong đợt này là khoảng 1,66 triệu thùng/ngày. Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, OPEC+ tuyên bố giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày cho tới hết năm 2023.
CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG GẶP KHÓ
Động thái mới nhất của OPEC ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Mỹ. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói “chúng tôi không nghĩ việc cắt giảm sản lượng là việc nên làm ở thời điểm này, xét tới sự bấp bênh trên thị trường. Và chúng tôi đã nói rõ điều này từ trước rồi”.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần phê phán OPEC+ vì những đợt cắt giảm sản lượng khai thác dầu của liên minh này. Mỹ nói việc giảm sản lượng dầu đẩy giá dầu tăng, qua đó kéo lạm phát lên, gây tổn thất cho các hộ gia đình. Washington đồng thời cho rằng cáo buộc OPEC thân Nga - quốc gia đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt của phương Tây vì cuộc chiến tranh ở Ukraine.
Mối quan hệ xấu đi giữa hai đồng minh lâu năm là Mỹ và Saudi Arabia đã biến thành một cuộc khẩu chiến vào cuối năm ngoái, khi OPEC+ quyết định giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày. Nói về đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện mới nhất, OPEC nói đây là “một biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu”.
Giá dầu đã tăng mạnh sau động thái của OPEC+, và một số nhà dự báo cho rằng giá dầu sẽ quay trở lại mốc 100 USD/thùng. Ngân hàng Goldman Sachs cho biết sẽ nâng dự báo giá dầu cho thời điểm tháng 12/2023 thêm 5 USD/thùng, lên 95 USD/thùng.
“Việc cắt giảm sản lượng tự nguyện này của các nước OPEC+ có thể đẩy giá dầu tăng trong thời gian còn lại của năm nay, kéo theo lạm phát toàn cầu, khiến các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới phải theo đuổi một lập trường cứng rắn hơn trong việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, việc đó sẽ kéo tụt tăng trưởng kinh tế và làm nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng chậm lại”, chuyên gia Victor Ponsford của Rystad Energy nhận định với hãng tin CNBC.
Chuyên gia Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM đề cập đến rủi ro chính trị từ động thái cắt giảm sản lượng tự nguyện có tổ chức này của OPEC+. Trao đổi với CNBC, ông Varga nói rằng lạm phát toàn phần trên toàn cầu sẽ tăng nhanh hơn dự kiến.
“Các ngân hàng trung ương có thể sẽ không trệch hướng khỏi kế hoạch giảm tốc độ tăng lãi suất, vì quan điểm của họ được quyết định chủ yếu bởi số liệu lạm phát lõi - chỉ số không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá dầu như lạm phát toàn phần”, ông Varga nhận định.
“Nhưng những tiếng nói ủng hộ dự luật NOPEC trong Quốc hội Mỹ sẽ trở nên lớn hơn, và người ta sẽ cáo buộc OPEC+ dùng dầu lửa làm vũ khí. Động thái của OPEC+ sẽ khiến giá dầu tăng nhiều, vì những nỗi lo vĩ mô giờ đây đã bị lấn lướt bởi mối lo về nguồn cung. Động thái này sẽ khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia xấu thêm”, vị chuyên gia nói.
NOPEC là tên viết tắt của dự luật No Oil Producing and Exporting Cartels (Không liên minh sản xuất và xuất khẩu dầu lửa). Đây là dự luật đang được đề xuất trong Quốc hội Mỹ nhằm tiến tới một vụ kiện chống độc quyền nhằm vào OPEC+.
Mỹ có thể chống lại sự leo thang của giá dầu bằng cách xả thêm dầu từ Dự trữ Dầu lửa chiến lược (SPR). Một quan chức đề nghị không tiết lộ danh tính của OPEC+ nói rằng Mỹ đã tự làm khó cho cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ khi ngăn cản sự tiếp cận của thị trường toàn cầu với nguồn dầu lửa của Venezuela và Iran, trong khi các nước Liên minh châu Âu (EU) quay lưng với dầu Nga để phản đối cuộc chiến tranh ở Ukraine.
MỸ MẤT DẦN ẢNH HƯỞNG Ở TRUNG ĐÔNG
Giới chức OPEC+ cũng từng chỉ trích việc các nước phương Tây đánh thuế đối với lợi nhuận gia tăng của các công ty năng lượng, trong khi các công ty này chẳng được hỗ trợ gì khi giá dầu WTI có lúc giảm về ngưỡng âm vào tháng 4/2020. OPEC+ còn phê phán việc phương Tây đẩy mạnh việc dịch chuyển sang các nguồn năng lượng tái sinh, khiến đầu tư vào khai thác năng lượng hoá thạch bị giảm, trong khi vẫn chưa sản xuất đủ năng lượng xanh thay thế để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Công suất khai thác dầu dự trữ là nội dung trọng tâm trong các tuyên bố gần đây của OPEC+, khi nhóm này cố gắng bảo vệ sức hấp dẫn của lợi nhuận ổn định từ các khoản đầu tư dài hạn vào khai thác dầu. Gần như tất cả các nước thành viên OPEC+ vừa tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện đều có năng lực khai thác thêm dầu.
Một nguồn tin OPEC+ đề nghị không tiết lộ danh tính nói rằng các cuộc thảo luận để điều phối việc cắt giảm thêm sản lượng đã được đẩy mạnh trong tuần trước, khi cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và Thuỵ Sỹ khiến giới đầu tư mất niềm tin vào những tài sản có mức độ biến động lớn như dầu thô. Trước đó, OPEC+ đã lên tiếng rằng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ngân hàng đối với giá dầu chỉ là tạm thời, và câu hỏi dài hạn nằm ở nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - khi quốc gia này mở cửa trở lại nền kinh tế.
“Những gì xảy ra với giá dầu trong 3 tuần qua không liên quan gì đến các yếu tố dầu lửa cả, mà hoàn toàn liên quan đến cuộc khủng hoảng ngân hàng và nỗi lo mà cuộc khủng hoảng này gây ra. Thị trường dầu cũng đã bán khống mạnh, và đó là điều mà OPEC muốn dập”, Giám đốc nghiên cứu Amrita Sen của Energy Aspects nói với hãng tin CNBC.
Giới đầu tư thường bán khống một tài sản khi họ kỳ vọng giá tài sản đó sẽ giảm. Khi giá tài sản đó giảm, nhà bán khống sẽ hưởng phần chênh lệch giá so với mức giá họ đã bán khống.
“Tôi thực sự tin rằng nếu thị trường thực sự thắt chặt, hoặc các vấn đề ngoại sinh hay các cú sốc từ bên ngoài dịch đi, OPEC+ sẽ tăng sản lượng trở lại. Bởi vậy, động thái vừa rồi của họ không phải đã thiết lập hướng đi của năm nay, mà là tạo ra một bức tường mang tính phòng thủ”, bà Sen nhận định.
Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, giới phân tích cho rằng đợt giảm sản lượng này của OPEC+ có thể khoét sâu thêm mối rạn nứt chính trị giữa Saudi Arabia và chính quyền Tổng thống Biden, trong bối cảnh ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông ngày càng bị thay thế bởi Trung Quốc. Gần đây, Bắc Kinh đã giữ vai trò trung gian cho việc cải thiện giữa Saudi Arabia và Iran, trong khi Riyadh cũng có những động thái để gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc dẫn đầu, với tư cách một nước đối thoại.
“Đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện có tổ chức này chắc chắn có ảnh hưởng đến việc Mỹ đang mất dần ảnh hưởng ở Trung Đông, cũng như ảnh hưởng đến hành động của những nước thành viên chủ chốt của OPEC như Saudi Arabia và UAE, vốn là những nước đồng minh truyền thống của Mỹ”, chuyên gia Andy Chrichlow của S&P Global Platts nhận xét với CNBC. “Không ai có thể nhận thấy điều này nếu không nhìn vào tình hình chính trị ở Trung Đông hiện nay, khi các nước sản xuất dầu chủ chốt đang xích lại gần hơn đến Trung Quốc và Nga. Những nước này muốn hoạt động trong thế giới đa cực, thay vì bị ràng buộc hoàn toàn vào Mỹ”.