November 11, 2015 | 08:51 GMT+7

Quyết định tăng lương, cho phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế

Nguyễn Lê

Quốc hội thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016

Kết quả biểu quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 sáng 11/11 tại Hội trường Quốc hội.<br>
Kết quả biểu quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 sáng 11/11 tại Hội trường Quốc hội.<br>
Với đa số phiếu thuận (392 tán thành, 34 vị không đồng ý, 9 vị không biểu quyết), sáng 11/11 Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.

Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 1.014.500 tỷ đồng, nếu tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng số thu ngân sách Nhà nước là 1.019.200 tỷ đồng.

Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.273.200 tỷ đồng và mức bội chi ngân sách Nhà nước là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP.

Tăng lương từ 1/5/2016

Quốc hội thống nhất giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới hai triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở, từ ngày 1/1/2016.

Từ ngày 1/1/2016 đến ngày 30/4/2016, tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh đối với các đối tượng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) như năm trước.

Còn từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng.

Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.

Các bộ, ngành, địa phương được giao trên cơ sở dự toán ngân sách Nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương. Ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu

Nhiều vấn đề quan trọng khác về ngân sách cũng được Quốc hội cho phép.

Như, bổ sung 30.000 tỷ đồng vốn ODA ước giải ngân tăng so với kế hoạch vào dự toán chi đầu tư phát triển năm 2015. Phát hành 60.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội quyết định.

Hay, sử dụng 40.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp để đầu tư phát triển.

Nhưng nghị quyết cũng nói rõ, trường hợp ngân sách Trung ương năm 2015 bị hụt thu, cho phép sử dụng không quá 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước nhưng chỉ để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Sử dụng 30.000 tỷ đồng đưa vào dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 để tăng chi đầu tư phát triển.

Quốc hội đồng ý đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm 2015 và năm 2016, trong đó, chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm với tỷ lệ không quá 30% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành, 70% đảm bảo từ 5 năm trở lên theo quy định tại nghị quyết ngày 10/11/2014 của Quốc hội.

Chính phủ cũng được chấp thuận phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước, trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia và chỉ thực hiện trong năm 2015 và năm 2016, với tổng mức phát hành tối đa là 3 tỷ USD.

Từng bước khoán xe công

Nhấn mạnh yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, các vị đại diện cho dân yêu cầu Chính phủ đẩy mạnh giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí.

Yêu cầu tiếp theo được nêu tại nghị quyết là điều hành chi ngân sách Nhà nước theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, ngành, địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ôtô và trang thiết bị đắt tiền; từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh.

Tiếp tục thu vào ngân sách Nhà nước 75% số tiền lãi dầu, khí được chia nước chủ nhà, lợi nhuận của Liên doanh Dầu khí Việt - Nga và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2016; số tiền còn lại (25%) để lại cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật cũng là nội dung được nêu tại nghị quyết.

Chính phủ còn được giao kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước, trong điều hành cần có biện pháp tích cực để giảm bội chi và tăng chi trả nợ. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là đối với các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ.

Tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay của ngân sách Nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng vay trung hạn và dài hạn với lãi suất phù hợp; bảo đảm dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate