March 18, 2021 | 20:16 GMT+7

"Quyết liệt chống tham nhũng, không bỏ lửng, không làm tượng trưng"

Tiến Dũng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần phải quyết liệt và triệt để hơn nữa trong xử lý các vụ án tham nhũng và làm tốt hơn nữa khâu thu hồi tài sản

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Ảnh: TTXVN

Chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 18/3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh  giá cao kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo thời gian qua. 

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, từ sau Phiên họp thứ 19 vào tháng 1/2021 của Ban Chỉ đạo đến nay, dù phải tập trung cao độ cho nhiều hoạt động như tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15.... công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo nói riêng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt và có nhiều chuyển biến tích cực.

LOẠT VỤ ÁN TRỌNG ĐIỂM ĐƯỢC ĐIỀU TRA, XÉT XỬ

Trong gần 3 tháng đầu năm nay các cơ quan tiến hành tố tụng đã kết thúc điều tra 6 vụ án với 70 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 5 vụ án với 45 bị can và xét xử sơ thẩm 4 vụ án với 15 bị cáo, xét xử phúc thẩm 1 vụ án với 1 bị cáo. Đồng thời, mở rộng điều tra, đi sâu làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can trong một số vụ án.

Một số vụ án đáng chú ý đã hoàn thành xét xử sơ thẩm gồm vụ "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam. 

Một số dự án trọng điểm đã được khẩn trương điều tra, truy tố gồm vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 1); Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI). 

Một số dự án khác cũng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm gồm "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2- Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vụ án "Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị có liên quan.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập 22 đoàn kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề nổi cộm, bức xúc, mới phát sinh.

Thanh tra Chính phủ hoàn thành việc thanh tra việc việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lâm nghiệp và Tổng công ty Chè Việt Nam. Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

KIÊN TRÌ, TRIỆT ĐỂ, KHÔNG BỎ LỬNG, KHÔNG LÀM TƯỢNG TRƯNG

Về công việc trong thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại quyết tâm cao và nỗ lực lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng đã được Ban Chỉ đạo khẳng định nhiều lần. 

"Cần phải khẩn trương tháo gỡ những khó khăn và tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương tăng cường phối hợp để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ đã rõ, đã chín", Tổng bí thư Chủ tịch nước nhấn mạnh. "Chúng ta phải kiên trì làm và làm triệt để, chứ không bỏ lửng, không phải làm tượng trưng là có xử, mà xử là phải triệt để và khâu thu hồi tài sản phải làm tốt hơn nữa".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu các cơ quan chức năng theo chức trách, nhiệm vụ của mình, phải làm quyết liệt hơn nữa, dù không có trong kế hoạch nhưng nếu tự phát hiện ra vẫn phải làm, trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình. Ban Chỉ đạo không làm thay hết tất cả, chỉ làm ví dụ một số vụ để làm gương, còn tất cả các cơ quan chức năng, các địa phương phải làm.

"Quyết liệt chống tham nhũng, không bỏ lửng, không làm tượng trưng" - Ảnh 1.

Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 18/3 - Ảnh: TTXVN

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cần thiết sẽ nghiên cứu, đề xuất, báo cáo với Bộ Chính trị cho phép bổ sung thêm chức năng phòng, chống tiêu cực trong hoạt động của Ban Chỉ đạo. 

"Nội hàm tiêu cực là gì, sẽ nghiên cứu kỹ, quy định thành quy chế để bảo đảm giữ gìn được phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nên có cơ chế thưởng, phạt đối với cơ quan, cá nhân làm tốt hoặc là không làm tốt, đồng thời trong chỉ đạo phải có sự phối hợp, phân công, phải có kiểm tra và làm theo đúng chức trách, phận sự của mình. 

"Trước hết các cơ quan chức năng phải làm đúng phận sự. Ban Chỉ đạo mạnh hơn, có sự phối hợp của nhiều cơ quan thì sẽ làm tốt hơn. Đây là cơ chế phối hợp, chỉ đạo tập thể, tạo sự thống nhất rất cao của cả hệ thống. Cần phân định rõ, không giẫm chân sang việc của người khác, khi làm đồng lòng, nhất trí, quyết tâm cao, tất cả vì sự nghiệp chung, không nên cua cậy càng, cá cậy vây", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate