Vị thế khiêm tốn trong khu vực ASEAN
Theo thống kê từ Hiệp hội sản xuất ô tô Đông Nam Á, Indonesia hiện là thị trường ô tô lớn nhất Đông Nam Á với trung bình khoảng gần 1 triệu xe được bán ra mỗi năm. Nửa năm đầu 2022, quốc gia này tiêu thụ 475.000 chiếc ô tô, trong khi đó lượng xe sản xuất ra đạt trên 658.000.
Thái Lan đứng thứ 2 về lượng xe tiêu thụ trong nửa đầu năm qua. Quốc gia này tiêu thụ 457.622 chiếc. Tuy chỉ đứng thứ 2 về lượng xe tiêu thụ nhưng Thái Lan vẫn là thị trường sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á với trên 911.000 xe sản xuất chỉ trong 6 tháng đầu năm. Lượng lớn xe sản xuất tại đây phục vụ xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam.
Thị trường Malaysia tiêu thụ 331.386 chiếc xe, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lượng xe sản xuất đã đạt xấp xỉ 318.000 xe.
Nửa đầu năm 2022, thị trường Việt Nam tiêu thụ 201.840 xe ô tô, tăng trưởng 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 7 quốc gia có thống kê doanh số, Việt Nam xếp thứ 4, sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia cả về sản lượng và doanh số tiêu thụ. Số liệu này là thống kê từ các Hiệp hội sản xuất ô tô các nước, không bao gồm các doanh nghiệp nằm ngoài Hiệp hội.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô toàn thị trường của các đơn vị thành viên trong tháng 9/2022 đạt 33.463 xe các loại, tăng 8,5% so với tháng 8.
Trong tổng doanh số trên có 25.611 xe du lịch, tăng 2%; 7.539 xe thương mại, tăng 37%; và 313 xe chuyên dụng, tăng 17% so với tháng trước. Về nguồn gốc xe, trong khi doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 17.193 xe, tăng 11% thì xe nhập khẩu nguyên chiếc là 16.270 xe, tăng 6% so với tháng trước.
Tuy nhiên, lượng xe sản xuất tại Việt Nam chỉ đủ cung cấp nửa nhu cầu ô tô trong nước. Tính đến hết tháng 9/2022, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 169.958 xe, tăng 58% trong khi xe nhập khẩu là 126.445 xe, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ hội nâng tầm?
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vừa có dấu ấn đáng nhớ khi lần đầu tiên nước ta trở thành nơi ra mắt đầu tiên trên toàn thế giới của một mẫu xe ý tưởng. Mitsubishi Nhật Bản đã quyết định chọn Việt Nam là nơi ra mắt mẫu xe ý tưởng SUV cỡ nhỏ với tên gọi “XFC”. Đây là lần đầu tiên một hãng ô tô chọn Việt Nam để giới thiệu sản phẩm ý tưởng toàn cầu. Điều đó cũng cho thấy tiềm năng của thị trường Việt và có cơ hội rũ bỏ cái mác "vùng trũng" của ngành ô tô.
Xe ý tưởng là những mẫu xe được phát triển với mục đích thể hiện định hướng thiết kế, công nghệ và tầm nhìn của nhà sản xuất đối với một hoặc một dải sản phẩm cụ thể. Xe ý tưởng giúp đánh giá phản ứng của giới chuyên môn cũng như người tiêu dùng, trước khi nhà sản xuất quyết định áp dụng những cách tân, thiết kế, công nghệ mới mẻ lên các sản phẩm thương mại bán ra thị trường.
Thông thường, trong ngành ô tô khi một thị trường được chọn làm nơi ra mắt cũng có thể hiểu là điểm xuất phát của một mẫu xe ý tưởng. Nhà sản xuất sẽ muốn lấy ý kiến và phản hồi từ thị trường đó cho việc phát triển dòng sản phẩm của mình. Đặc biệt mẫu concept của Mitsubishi lại là một mẫu xe toàn cầu cho thấy thị trường Việt được đánh giá khá cao với một nhà sản xuất từ Nhật Bản.
Quyết định của Mitsubishi khi cho ra mắt mẫu concept hoàn toàn mới cho thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng cho việc kinh doanh của thương hiệu ô tô từ Nhật Bản. Bằng chứng cho việc này đó là sự thành công của Xpander. Lũy kế 9 tháng đầu năm, mẫu xe đa dụng (MPV) 7 chỗ đạt doanh số 16.113 chiếc, chiếm khoảng 45% thị phần và đứng đầu phân khúc tại Việt Nam.
Được phát triển phù hợp với nhu cầu của thị trường Đông Nam Á, Mitsubishi XFC Concept còn là bước đệm của hạng hướng đến mở rộng dải sản phẩm của Mitsubishi Motors cho thị trường Đông Nam Á như mẫu xe bán tải Triton, mẫu xe SUV cỡ trung Pajero Sport, mẫu xe cỡ trung CUV Oulander và Outlander PHEV; mẫu xe MPV crossover, bao gồm cả Xpander và Xpander Cross, mẫu xe hatchback Mirage và phiên bản sedan Attrage.
Bên cạnh Mitsubishi, trước đó thị trường Việt Nam cũng đã được hãng xe Mỹ Ford chọn Việt Nam làm nơi giới thiệu lần đầu tiên các mẫu xe chiến lược trên toàn cầu, trong đó có Everest và Ranger.
Không chỉ thế, một tín hiệu đáng chú ý của thị trường Việt hứa hẹn sẽ mang lại sự thay đổi trong thời gian tới đó là có sự chuyển dịch giữa cuộc đua giữa xe nhập khẩu ô tô khi thuế nhập khẩu về 0% trong khu vực Đông Nam Á và xe lắp ráp tại chính Việt Nam.
Mới đây nhất, theo kế hoạch của liên doanh giữa TC Group và Skoda, 2 mẫu xe Skoda sẽ được lắp ráp tại Việt Nam từ giữa năm 2024 bao gồm Slavia và Kushaq. Đến năm 2026, một mẫu xe điện có tên Enyaq cũng được lên lịch lắp ráp trong nước. Trước đó, trong năm 2023, Skoda sẽ bán 4 mẫu xe tại Việt Nam gồm Kodiaq, Karoq, Superb và Octavia nhưng đều được nhập từ châu Âu.
Hyundai Stargazer mới ra mắt tại Việt Nam theo dự kiến của TC Group sẽ được chuyển sang lắp ráp từ năm sau. Tương tự, Creta đang được nhập từ Indonesia cũng sẽ được chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam trong năm 2023.
Hay cặp đôi MPV Veloz Cross và Avanza Premio của Toyota cũng có thể sẽ được lắp ráp tại Việt Nam vào cuối năm nay. Như vậy, Toyota sẽ có 3 mẫu MPV đều được lắp ráp trong nước, gồm cả Innova.
Ford Territory hoàn toàn mới dự kiến sẽ được lắp ráp ngay tại Việt Nam ngay từ đợt mở bán đầu tiên. Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên lắp ráp mẫu xe này.
Hồi đầu năm 2022, thị trường xe lắp ráp tại Việt Nam đã có những khởi sắc khi được hưởng mức hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ của Chính phủ dành cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính sách này đã cho thấy những tác động tích cực, không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn giúp các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô nội địa bán xe dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, theo số liệu Tổng cục Hải quan, tháng 9/2022, cả nước nhập khẩu 18.303 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 367,45 triệu USD, tăng nhẹ 0,1% về lượng nhưng giảm 4,7% về kim ngạch so với tháng trước. Những con số thống kê cho thấy tháng 9 là tháng thứ hai liên tiếp lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam đạt trên 18.000 xe (tháng 8 đạt 18.279 xe) và đạt lượng cao nhất từ trước đến nay.
Lượng xe nhập khẩu tăng cao trong hai tháng liên tiếp vừa qua giúp tổng lượng ô tô nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm đảo chiều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái (hết tháng 8 vẫn tăng trưởng âm). Cụ thể, hết tháng 9 đã có 114.496 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam, tổng kim ngạch hơn 2,6 tỷ USD, tăng 0,2% về lượng nhưng tăng 3% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ hội nâng tầm của ngành ô tô Việt đang rất sáng sủa nhưng trước bài toán giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu đang có những diễn biến đảo chiều phức tạp, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành, tạo hành lang pháp lý phù hợp trong thời gian tới để phát triển xe lắp ráp trong nước, tăng tỉ lệ nội địa hoá của ngành ô tô trước sự xu thế xe nhập khẩu đang có chiều hướng áp đảo.