Bộ Công Thương cho biết, ngày 20 tháng 4 năm 2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1282/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).
Ngày 20/4/2022, Bộ Công Thương nhận được hồ sơ yêu cầu rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc của bên liên quan là các công ty sản xuất, xuất khẩu Trung Quốc.
Hàng hoá thuộc đối tượng rà soát là nhôm và các sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim. Sản phẩm ở dạng thanh, que và hình đã được đù ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm.
Các sản phẩm này có một dạng thù hình, có mạng lập phương, có thể thiết kế theo nhiều hình dạng và mặt cắt khác nhau, có thể tạo ra nhiều màu sắc khác nhau trên bề mặt, có thể tái chế lại.
Sản phẩm được phân loại theo mã HS 7604.10.10, 7604.10.90, 7604.21.90, 7604.29.10, 7604.29.90 có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Mức thuế chống bán phá giá hiện hành: từ 4,39% tới 35,58% tuỳ thuộc tên nhà sản xuất, xuất khẩu.
Bên yêu cầu là nhóm Công ty Xingfa Aluminium Co.,Ltd và các công ty liên kết. Nhóm công ty Xingfa đề nghị cơ quan điều tra rà soát lại mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với nhóm công ty.
Theo quy định của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018, trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc một năm kể từ ngày có quyết định mới nhất về kết quả rà soát biện pháp chống bán phá giá, các bên liên quan có quyền nộp hồ sơ đề nghị rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Trên cơ sở xem xét Hồ sơ do bên liên quan nộp theo đúng quy định của pháp luật, ngày 10 tháng 6 năm 2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1149/QĐ-BCT về việc rà soát lần thứ hai việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm nhôm trên.
Thời kỳ rà soát, từ ngày 01/04/2021 đến hết ngày 31/03/2022.
Để đảm bảo lợi ích cho tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị các tổ chức, cá nhân đăng ký làm bên liên quan trong vụ việc rà soát để tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá trình tiến hành rà soát, gửi các ý kiến bình luận, thông tin và bằng chứng liên quan đến nội dung rà soát.
Đồng thời hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra rà soát nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bất kỳ bên liên quan nào từ chối tham gia vụ việc hoặc không cung cấp chứng cứ cần thiết hoặc không chính xác, gây nhầm lẫn hay cản trở đáng kể tới việc hoàn thành việc rà soát thì sẽ không được xem xét và kết luận rà soát đối với bên liên quan sẽ dựa trên cơ sở các thông tin sẵn có.
Căn cứ vào Luật quản lý ngoại thương, thời hạn rà soát không quá 6 tháng kể từ ngày có quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 3 tháng.