Báo cáo tại Hội nghị, ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật cho biết Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1313/QĐ-BTP ngày 12/7/2024 về việc thành lập Tổ chuyên gia của Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và Quyết định số 1347/QĐ-BTP ngày 16/7/2024 thành lập Nhóm giúp việc của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
RÀ SOÁT, XỬ LÝ VƯỚNG MẮC TRONG HỆ THỐNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Bộ cũng đã ký Tờ trình để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký Quyết định ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo theo hướng quy định rõ cơ quan thực hiện, lộ trình, thời hạn hoàn thành các công việc thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã phát hành 03 Công văn gửi các bộ, ngành có liên quan nhằm cho ý kiến về việc thành lập Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hồ sơ, tài liệu kèm theo; cập nhật tình hình xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/06/2023 về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và tiếp tục thực hiện rà soát VBQPPL theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ và tài liệu hướng dẫn kèm theo.
Đến nay, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo của các bộ, địa phương, cụ thể: 7 Bộ có báo cáo thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 93/NQ-CP; 07 Bộ có báo cáo tình hình xử lý kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15; 40 địa phương có báo cáo thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 93/NQ-CP.
Liên quan đến phương án rà soát, xây dựng một luật sửa đổi, bổ sung một số luật về thúc đẩy tăng trưởng, trên cơ sở kết quả rà soát bước đầu, Bộ Tư pháp đã tổng hợp một số nội dung của các luật cần xử lý gồm các Luật: Luật Đầu tư công, Luật PPP, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018; Luật Ngân sách, Luật Quản lý thuế, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Kế toán.
Trong đó tập trung vào một số vấn đề như: thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư; kéo dài dự án đầu tư công; tách công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư công; về phân loại dự án đầu tư công; về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư khi điều chỉnh dự án đầu tư công; về các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP; quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP; về hạn mức vốn Nhà nước tham gia trong dự án PPP; về thẩm quyền đầu tư...
CÒN NHIỀU VƯỚNG MẮC PHÁP LÝ
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị đã trao đổi, thảo luận, cho ý kiến về các bất cập, vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực mình quản lý. Cụ thể, trong lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho biết TP HCM hiện có 148 dự án bất động sản dừng triển khai, hàng nghìn căn nhà không thể giao dịch vì vướng mắc trong vấn đề pháp lý về chuyển nhượng bất động sản, đánh giá nhu cầu sử dụng đất.
Ông Châu cho biết trong quý I/2024, TPHCM chỉ có 1 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư, dẫn tới nhà ở bị đẩy giá lên cao do thiếu nguồn cung.
Vì vậy, để thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tháo gỡ vướng mắc, khó khăn pháp lý.
Do đó, ông Châu đề nghị Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm xây dựng 16 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 một cách kịp thời, chất lượng, đưa các quy định pháp luật đi vào cuộc sống. Cùng với đó mong muốn Bộ Tài chính sớm trình Dự án Luật Thuế bất động sản nhằm tạo công bằng cho người dân và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Trong lĩnh vực tài chính – kế toán, đại diện Bộ Tài chính cho biết Quốc hội đã có Nghị quyết 107/2023/QH15 về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu do Quốc hội ban hành, trong đó quy định chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế là chuẩn mực kế toán tài chính được chấp nhận.
Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) cũng mong muốn đươc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế.
Do đó, Bộ Tài Chính đề nghị bổ sung thêm các quy định hướng dẫn chi tiết về chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế; qua đó góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài và nâng cao tính minh bạch của thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, để nâng cao công tác quản lý nhà nước và giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực kế toán, đề xuất bổ sung quyền hạn, chức năng của Ngân hàng nhà nước trong việc hướng dẫn về kế toán đối với các tổ chức tín dụng.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh đại dịch Covid-19 và tình hình thế giới, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tháo gỡ bất cập, vướng mắc pháp lý để phục hồi kinh tế.
Do đó, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành khẩn trương gửi báo cáo kết quả rà soát về Bộ Tư pháp; trong đó nêu rõ vấn đề vướng mắc, đặc biệt là các nội dung liên quan đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trên cơ sở đó, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo sẽ tổng hợp thông tin, xây dựng báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát và tình hình xử lý đối với các vướng mắc, bất cập đã được chỉ ra tại các báo cáo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15.
Về cách thức thực hiện, Thứ trưởng nhất trí việc lựa chọn những vấn đề vướng mắc đã "chín", đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, được đa số đồng tình, ủng hộ thì tháo gỡ trước như quy định về ngân sách các cấp; tách dự án đầu tư nhóm B, nhóm C; rút gọn thủ tục đầu tư… Thứ trưởng cũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao.