Theo hãng tin CNBC, phát biểu tại Thượng đỉnh châu Á do Viện Milken tổ chức ở Singapore, ông Dalio - nhà sáng lập công ty quản lý quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates - nói rằng 5 yếu tố mà ông đề cập đến có mối quan hệ qua lại và thường mang tính chu kỳ.
Phát biểu này được ông đưa ra vào hôm thứ Tư tuần trước, trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm.
NỢ, TIỀN VÀ CHU KỲ KINH TẾ
Về vấn đề này, ông Dalio bày tỏ lo ngại về việc khối nợ công khổng lồ của Mỹ sẽ được quản lý như thế nào. “Fed sắp điều chỉnh lãi suất, và điều này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến nợ của Mỹ? Vấn đề đó sẽ được xử lý ra sao?” ông đặt câu hỏi.
Fed đã giữ lãi suất quỹ liên bang ở mức cao nhất 23 năm kể từ tháng 7/2023 đến ngày 18/9/2024, trước khi cắt giảm lãi suất này từ 5,25-5,5% về mức 4,75-5%. Việc Fed duy trì lãi suất ở mức cao đã khiến Chính phủ liên bang Mỹ năm nay đã phải chi gần 1,05 nghìn tỷ USD để trả lãi, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự kiến, tổng tiền lãi mà Washington phải trả trong năm nay sẽ lên tới 1,158 nghìn tỷ USD.
“Những khoản nợ đó có giá trị như thế nào, với tư cách nợ của người này hay tài sản của người khác? Đó có phải là một kho lưu trữ giá trị hay không? Đây là những câu hỏi quan trọng và cấp bách”, ông Dalio nói với đám đông khán giả.
TRẬT TỰ VÀ BẤT ỔN Ở MỸ
“Vấn đề thứ hai là trật tự và mất trật tự ở Mỹ”, ông Dalio nói, đề cập tới tình hình chính trị Mỹ trước bầu cử.
“Có những khác biệt không thể hòa giải giữa cánh tả và cánh hữu, xuất phát từ chênh lệch lớn về tài sản và giá trị… Những điều này đặt ra câu hỏi thậm chí về một cuộc chuyển giao quyền lực có trật tự”.
Theo kết quả một cuộc khảo sát của hãng tin CNBC công bố vào tuần vừa rồi, lần đầu tiên trong chu kỳ bầu cử 2024, Phó tổng thống Kamala Harris được cho là có cơ hội thắng cử lớn hơn so với cựu Tổng thống Donald Trump.
XUNG ĐỘT GIỮA CÁC SIÊU CƯỜNG
Địa chính trị là mối lo thứ ba mà ông Dalio đề cập, đặc biệt là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chất chứa nhiều căng thẳng, như vấn đề Biển Đông, Đài Loan, đối đầu công nghệ, thuế quan thương mại…
“Tôi nghĩ rằng có một mối lo ngại về chiến tranh giúp ngăn căng thẳng leo thang, bởi chiến tranh sẽ gây tổn thất lớn cho cả hai bên. Nhưng tình trạng hiện nay là thiếu trật tự”, nhà quản lý quỹ phòng hộ nổi tiếng nói.
THIÊN TAI
Ông Dalio nói rằng lịch sử cho thấy “hành động của thiên nhiên” đặt ra mối nguy lớn hơn cho loài người và xã hội hơn cả chiến tranh. Ông nhấn mạnh tổn thất của biến đổi khí hậu sẽ tăng lên. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cuộc khủng hoảng khí hậu dẫn tới tổn thất 12% tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu đối với mỗi 1 độ C tăng thêm trong nhiệt độ Trái Đất.
CÔNG NGHỆ
Công nghệ sẽ là “điều tuyệt vời” nếu một cá nhân hay tổ chức có khả năng vận dụng và đầu tư hợp lý vào lĩnh vực này, ông Dalio phát biểu. “Những lợi ích năng suất tiềm tàng của công nghệ là rất to lớn”, ông nhấn mạnh, nói thêm rằng công nghệ đã sản sinh ra các công ty khởi nghiệp được định giá hàng tỷ USD (unicorn) và mang lại tài sản lớn cho nhiều người.
“Ai thắng trong cuộc chiến công nghệ sẽ thắng trong cuộc chiến quân sự”, ông Dalio nói.
Khi đánh giá 5 yếu tố trên nói chung, ông Dalio đưa ra kết luận rằng “những điều ngạc nhiên có thể xảy ra nghiêng về tiêu cực hơn là tích cực”.