November 17, 2022 | 16:49 GMT+7

Rebag gợi ý “danh mục đầu tư” túi xách xa xỉ, một cái tên mới gây chú ý

Minh Nguyệt -

Với tăng trưởng theo cấp số nhân từ thị trường bán lại trong những năm gần đây, việc “đầu tư” một mặt hàng cao cấp mới có thể sẽ cần đến các chỉ số đánh giá và một tư duy chiến lược hơn bao giờ hết…

Ảnh: WWD
Ảnh: WWD

Từ năm 2020, Rebag, công ty bán lại túi xách và phụ kiện cao cấp đã công bố báo cáo Clair – chỉ số đánh giá toàn diện về hàng hóa sang trọng để bán lại. Dựa vào Clair, Rebag có thể định các mã đặc biệt và giá thị trường cho hầu hết các mẫu túi xách cao cấp.

Năm nay, báo cáo mới nhất của Rebag thể hiện sự gia tăng mạnh mẽ trong giá trị bán lại của túi xách Hermès, Louis Vuitton và Chanel, nhóm những thương hiệu xa xỉ dẫn đầu thị trường. Clair được tổng kết dựa trên một số yếu tố bao gồm giá bán lẻ, nhu cầu sử dụng kết hợp với các nghiên cứu để xác định giá chính xác của các mặt hàng bằng tiền mặt hoặc tín dụng.

Báo cáo Clair 2022 được lấy dữ liệu trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2022. Charles Gorra, Giám đốc Điều hành và người sáng lập Rebag cho biết: “Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi rất nhiều trong năm qua. Báo cáo Clair 2022 cung cấp thông tin chi tiết về cách khách hàng mua sắm và đưa ra quyết định khi mua hàng một cách chi tiết hơn bao giờ hết. Chúng tôi hy vọng những thông tin này sẽ mang đến minh bạch cho thị trường xa xỉ nói chung, mở rộng vòng đời sản phẩm và tạo ra nhiều tính tuần hoàn”.

Theo đó, Hermès, Louis Vuitton và Chanel đã giữ vị trí “thống trị” trong hai năm liên tiếp, nằm trong nhóm những thương hiệu dẫn đầu về giá bán lẻ. Trong đó, với giá bán lẻ trung bình tăng trung bình 103%, túi xách Hermès tiếp tục đứng đầu danh sách. Điều này cũng nghĩa rằng giá trị của túi Hermès đang cao hơn trên thị trường bán lại so với giá bán lẻ ban đầu.

Louis Vuitton tăng 12 điểm phần trăm từ năm 2021 với tỷ lệ duy trì giá trị trung bình là 92% khi bán lại, trong khi giá trị bán lại của Chanel tăng khi giá thị trường sơ cấp tăng. Và có thể thấy giá trị túi xách Chanel trên thị trường sơ cấp đã tăng nhiều lần trong thời kỳ quan sát.

Hermès, Louis Vuitton và Chanel đã giữ vị trí “thống trị” trong hai năm liên tiếp, nằm trong nhóm những thương hiệu dẫn đầu về giá bán lẻ.
Hermès, Louis Vuitton và Chanel đã giữ vị trí “thống trị” trong hai năm liên tiếp, nằm trong nhóm những thương hiệu dẫn đầu về giá bán lẻ.

Ngoài ra, các thương hiệu túi hiệu được Rebag đánh giá nổi bật trong năm qua bao gồm Prada, Gucci, Bottega Veneta và Fendi với mức tăng ấn tượng lần lượt: Prada tăng 11%, Gucci, Bottega Veneta và Fendi mỗi hãng tăng 10% điểm phần trăm từ năm 2021. Điều trùng hợp là tất cả các thương hiệu này đều đến từ Ý.

Một cái tên đáng chú ý của năm nay là Telfar, với giá trị bán lại gia tăng đáng kể - 145%. Sự thu hút của thương hiệu này với Gen Z là không thể chối cãi. Tính độc quyền và sự sẵn có của các mẫu túi thúc đẩy thị trường bán lẻ và góp phần vào sự tăng trưởng đều đặn của thương hiệu này trong suốt 9 năm qua. Ở cuối báo cáo, Rebag đã gợi ý “danh mục đầu tư” cho những người yêu túi hiệu xa xỉ, bao gồm túi Telfar giả da cỡ vừa, túi đeo bụng Louis Vuitton bằng canvas họa tiết monogram và túi Chanel Classic nắp gập chần bông và có tay cầm nhỏ.

Telfar là một thương hiệu phi giới tính nổi tiếng với cách tiếp cận đặc biệt của mình đối với nghệ thuật và thiết kế, kết hợp thời trang để thể hiện khát vọng cá nhân về sự tự do, tính bền vững và sự hòa nhập của người da màu. Trong thời gian qua, túi xách Telfar đã tạo ra một cơn “địa chấn” trong ngành công nghiệp xa xỉ và là niềm khao khát của biết bao tín đồ. Danh sách “fan cứng” của Telfar trải dài từ các nữ minh tinh hàng đầu đến những cô gái sành điệu trên đường phố.

Cái tên Telfar mới bắt đầu được nhắc đến trong dòng túi xách xa xỉ từ sự bùng nổ của chiếc túi Shopping Bag (hay còn được gọi là Bushwick Birkin) bằng da thuần chay. Chiếc túi “đi chợ” này được săn đón đến nỗi chúng “hết veo” chỉ trong vài phút. Sự nổi tiếng dường như chỉ trong một đêm của Telfar khiến tờ New York Times gọi năm 2020 là “năm của Telfar”.

Mẫu túi có hình chữ nhật đơn giản và được in nổi logo của hãng. Chiếc túi được mang đúng bản chất của một chiếc túi xách thông thường - vật đựng đồ hữu dụng cho tất cả mọi người, và có giá bán lẻ từ 3,7 - 6,3 triệu đồng cho các size S, M và L.

Cũng vì sức nóng không ngơi nghỉ mang tên Shopping Bag mà thương hiệu Teflar đã đưa ra chính sách gây chú ý: chỉ mở bán túi trong một thời gian nhất định nhằm giới hạn số lượng hàng bán ra, đảm bảo các khách hàng thực sự đều được mua túi, đồng thời chặn đứng hành vi trục lợi của dân "cò mồi". Chính sách này của Teflar tương tự Chanel và Hermès, giúp nâng hạng giá trị thương hiệu và biến đây trở thành "It Bag" của năm 2022. Các báo cáo của hãng cũng cho biết, chiếc túi này gần như thường xuyên "cháy hàng".

Rebag gợi ý “danh mục đầu tư” túi xách xa xỉ, một cái tên mới gây chú ý - Ảnh 1
Rebag gợi ý “danh mục đầu tư” túi xách xa xỉ, một cái tên mới gây chú ý - Ảnh 2
 
Rebag gợi ý “danh mục đầu tư” túi xách xa xỉ, một cái tên mới gây chú ý - Ảnh 3
Rebag gợi ý “danh mục đầu tư” túi xách xa xỉ, một cái tên mới gây chú ý - Ảnh 4
 
Rebag gợi ý “danh mục đầu tư” túi xách xa xỉ, một cái tên mới gây chú ý - Ảnh 5
Rebag gợi ý “danh mục đầu tư” túi xách xa xỉ, một cái tên mới gây chú ý - Ảnh 6
 

Chưa hết, theo báo cáo của trang The RealReal năm 2022, nhu cầu đối với những chiếc túi này đã tăng 590% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành mẫu túi được khao khát và đáng đầu tư nhất. Trang The RealReal cũng bình chọn Teflar là "Thương hiệu mới nổi của năm". Đợt bán hàng bổ sung bất ngờ vào đầu mùa Hè này đã gây ra một làn sóng điên cuồng trên Twitter, các sản phẩm được bán hết trong chưa đầy một giờ đồng hồ và xuất hiện trên các trang web bán lại với giá sang tay “ngất ngưởng”.

Theo báo cáo Clair 2022, sáng tạo của Telfar Clemens đã vượt qua các thương hiệu lâu đời về khả năng duy trì giá trị ở thị trường thứ cấp. Giám đốc điều hành của Rebag, Charles Gorra cho biết: “Các mặt hàng của Telfar có giá trị duy trì trung bình là 195% trên thị trường bán lại, có nghĩa là chúng sinh lời gần gấp đôi so với mua gốc. Trong khi đó, Hermès được đánh giá mang lại giá trị duy trì trung bình 102% và theo sau lần lượt là Louis Vuitton ở mức 82% và Chanel ở mức 87%”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate