Anh Simeon Pieterkosky, đồng sáng lập công ty công nghệ Aquaai, cho biết nếu không có bộ dữ liệu tốt hơn để hiểu rõ về tình trạng chất lượng nước ngày càng biến động, nỗ lực bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này sẽ không hiệu quả. Anh giải thích: “Hầu như mọi tuyến đường thủy đều bị ô nhiễm đến mức hệ sinh thái không thể cân bằng lại được nữa”.
Startup Aquaai đang hướng tới mục tiêu lấp đầy khoảng trống thông tin bằng cách sử dụng thiết bị khổng lồ không người lái để thu thập dữ liệu từ môi trường dưới nước. Chạy hoàn toàn bằng pin, robot được thiết kế có hình dáng và bơi lội giống như một chú cá, thân và đuôi lắc lư từ bên này sang bên kia khi di chuyển trong nước. Với “làn da” làm bằng cao su tổng hợp màu cam, trắng và đen, thiết bị trông giống như nhân viên cá hề trong bộ phim đình đám năm 2003 “Đi tìm Nemo”, theo CNN Business.
Phiên bản tiêu chuẩn dài khoảng 4 feet (1,3m) và nặng 65 pound (30kg), được trang bị máy ảnh và cảm biến để đo các chỉ số như oxy, độ mặn và độ pH.
GIẤC MƠ BẢO VỆ ĐẠI DƯƠNG
Pieterkosky, người có chuyên môn về hoạt hình điện tử, đã hình thành giấc mơ chế tạo robot sau khi cô con gái 8 tuổi của anh tìm hiểu về cuộc khủng hoảng đại dương và thuyết phục anh cùng chung tay bảo vệ biển. Nhà đồng sáng lập lưu ý rằng điều quan trọng là thiết bị không người lái cần phải hòa nhập với môi trường sống tự nhiên - bơi lội giữa các sinh vật khác mà không làm phiền hay gây sợ hãi và di chuyển xung quanh chướng ngại vật một cách trơn tru.
Aquaai đã đưa công nghệ vào sử dụng tại California, nơi công ty đặt trụ sở chính và Na Uy, nơi công ty thành lập một công ty con. Robot cá có khả năng hoạt động ở cả vùng nước ngọt và nước mặn, gần các con đập, bến cảng hay trang trại nuôi cá, kiểm tra một số dữ liệu như chất lượng nước và sức khỏe của cá. Nhiều trang trại nuôi cá sử dụng cảm biến cố định để theo dõi chất lượng nước, nhưng Giám đốc Điều hành kiêm đồng sáng lập Aquaai Liane Thompson cho biết phương pháp này có thể không hiệu quả đối với quy mô lồng nuôi khổng lồ, nơi đàn cá thường tụ tập ở vùng ngoài cảm biến; thay vào đó, robot của Aquaai luôn bơi sát cạnh đàn cá, thu thập dữ liệu ở bất cứ nơi nào chúng bơi qua.
Công nghệ cũng có thể được sử dụng tại Trung Đông, khu vực đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Trung Đông và Bắc Phi là nơi chỉ chiếm 1% nguồn tài nguyên nước ngọt thế giới, nhiều quốc gia đang cạn kiệt nước từ các hồ chứa dưới lòng đất, phần lớn sử dụng để tưới tiêu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Đôi vợ chồng Thompson và Pieterkosky, mặc dù đang có cuộc sống ổn định tại Hoa Kỳ, vẫn quyết định chuyển đến Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào tháng 10 năm ngoái ngay sau khi Aquaai được nhận vào chương trình “company building” tại hệ sinh thái công nghệ Hub71 của Abu Dhabi.
ỨNG DỤNG “ROBOT CÁ” TRONG NHIỀU TRƯỜNG HỢP
CEO Thompson cho biết công nghệ của Aquaai có thể được sử dụng trong khu vực để quản lý chất lượng nước, giám sát hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững, phát hiện ngư cụ (vật liệu đánh bắt thuỷ hải sản) không rõ nguồn gốc và theo dõi tình trạng san hô. Aquaai hiện đang tập trung nâng cấp robot và thảo luận với cơ quan chính phủ các nước về quá trình thử nghiệm nhằm đưa phiên bản mới nhất đi vào hoạt động.
Vị CEO nhận định, trên toàn thế giới, đa phần tài nguyên nước được giám sát thủ công, việc này diễn ra chậm, tốn nhiều công sức và chỉ cung cấp dữ liệu rời rạc. Cô tin rằng nỗ lực tự động hóa quy trình là vô cùng cần thiết.
Ông Robert C. Brears, nhà sáng lập nền tảng an ninh nước Our Future Water, cho biết trong một email rằng tự động hóa “sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai quản lý nước bằng cách nâng cao hiệu quả, giảm chất thải và cải thiện dữ liệu thu thập theo thời gian thực, từ đó giúp đưa ra quyết định tốt hơn”.
Ông cũng ca ngợi robot cá của Aquaai là một phương pháp không xâm lấn và tiết kiệm chi phí.
TRỞ NGẠI THU HÚT NHÀ ĐẦU TƯ
Tuy nhiên, Aquaai vẫn tồn tại một số thách thức cần giải quyết trước khi robot cá của hãng có thể di chuyển qua toàn bộ tuyến đường thủy trên khắp thế giới. Công ty đã huy động khoảng 1,6 triệu USD tài trợ, nhưng chủ yếu dựa vào một số quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, doanh nghiệp gia đình, nhà đầu tư doanh nghiệp chiến lược và các thử nghiệm có trả phí. CEO Thompson bày tỏ: “Chúng tôi cần vốn để thương mại hóa, nhưng có rất ít nhà đầu tư thực sự sẵn sàng hỗ trợ các dự án công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực cải thiện chất lượng nước”.
Theo cơ sở dữ liệu kinh doanh Dealroom, công nghệ liên quan tới chất lượng nước nhận được ít hơn 3% trong số 48 tỷ USD tài trợ cho toàn bộ lĩnh vực công nghệ khí hậu năm 2023 .
Một số tổ chức và công ty khởi nghiệp khác đang phát triển thiết bị không người lái dưới nước tương tự cho nhiều mục đích khác nhau. Vào năm 2021, một công ty Trung Quốc đã ra mắt robot cá rồng chứa vô số cảm biến tại Hội nghị Quân sự Bắc Kinh và một vài công ty dầu khí sử dụng thiết bị không người lái dưới biển để kiểm tra dự án đang vận hành.
Aquaai hy vọng sẽ có thêm nguồn tài trợ trong tương lai. CEO Pieterkosky chia sẻ: “Các nhà đầu tư chắc chắn nên quan tâm. Đây là những nỗ lực cuối cùng để thực sự cứu lấy nhân loại”.