Ở vùng ngoại ô thủ đô Helsinki (Phần Lan), công nghệ đang giúp việc tái chế trở nên dễ dàng hơn.
Một nhà máy trị giá 35 triệu euro mới mở gần đây, thuộc sở hữu của công ty Remeo, có thể xử lý tới 120.000 tấn chất thải xây dựng, bao gồm gỗ, nhựa và kim loại. Đây được cho là nhà máy tái chế tiên tiến nhất ở Châu Âu.
Theo Liên minh Châu Âu, trung bình người Châu Âu thải khoảng 5 tấn rác mỗi năm, nhưng chỉ 38% được tái chế. Hơn 36% tổng lượng rác thải của EU là từ hoạt động xây dựng, do đó việc tái chế chất thải rất phức tạp do thông tin về hàm lượng và chất lượng nguyên liệu còn hạn chế.
Ở một số quốc gia châu Âu, bao gồm Phần Lan, một số chất thải không thể tái chế được đưa đến các nhà máy đốt để sản xuất điện, tuy nhiên điều này lại làm gia tăng lượng khí thải nhà kính.
Đây chính là thời điểm thích hợp để robot trí tuệ nhân tạo “ra tay”.
Một số robot gắp sản phẩm hạng nặng của ZenRobotics - một công ty robot hoạt động tại 20 quốc gia, đang giúp phân loại các vật liệu giá trị như gỗ, nhựa, kim loại và đá được thu gom từ các dòng chất thải để tăng tỷ lệ tái chế.
Ông Harri Holopainen, giám đốc công nghệ của ZenRobotics có trụ sở tại Helsinki, cho biết: “Điều quan trọng đối với những robot này là chúng thực sự xác định được các vật thể phế thải trên băng chuyền. Chúng sẽ xem xét từng vật thể có trên băng chuyền và xem liệu đó là gỗ thông thường, gỗ có đóng đinh, gạch lát hay bê tông, sau đó đặt những vật liệu vào đúng máng để xử lý sau".
Robot AI được trang bị một thiết bị quét chất thải bằng máy ảnh, hệ thống cảm biến 3D và máy dò kim loại.
Sau đó, bộ não AI của chúng sẽ nhận dạng và xác định các đối tượng, đồng thời xác định điểm cầm nắm tốt nhất. Thị giác máy của những robot này đã được tiếp nhận hàng nghìn hình ảnh về chất thải, có nghĩa là nó có thể nhận ra hơn 350 loại chất thải khác nhau.
Cánh tay khéo léo của robot có thể nâng vật nặng đến 30kg, sau đó nhặt và thả xuống các máng.
Ông Holopainen chia sẻ: “Những cánh tay này hoạt động không bao giờ mỏi và cũng không bao giờ cảm thấy nhàm chán, điều đó khiến chúng trở nên khá ưu việt đối với công việc này. Với số lượng vật thể nguy hiểm, đó thực sự không phải là nơi để công nhân tiếp xúc với những vật sắc cạnh và nguy hiểm".
Johan Mild cho biết công nghệ mới cho phép họ nâng tỷ lệ tái chế từ khoảng 50% lên 90% trong một số trường hợp.
Ông cho biết: “Phần Lan đã quy định chất thải xây dựng cần được tái chế 70%, với cách thức truyền thống điều đó thực sự khó khăn”.
"Nhưng bây giờ, robot và máy móc đã làm công việc đó, chúng ta có thể đạt tỷ lệ cao hơn nhiều, thậm chí là hơn 70%."