December 07, 2022 | 10:10 GMT+7

Robot kho hàng: “bình thường mới” của ngành bán lẻ

Băng Hảo -

Những năm gần đây, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, cả thế giới đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của chuyển đổi số, tự động hóa. Trong ngành bán lẻ, những giải pháp này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo GrandView Research, không chỉ dừng lại ở những con robot khử trùng tại sân bay, bệnh viện, robot tự động sẽ phủ khắp toàn thế giới trong vòng 5 năm tới trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. “Khách hàng của chúng tôi là những doanh nghiệp bán lẻ, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng. Họ tận dụng robot cho các công việc từ đơn giản, lặp đi lặp lại hàng ngày cho tới các công việc nguy hiểm. Với tốc độ tăng trưởng được dự báo là 43% mỗi năm, các robot tự hành sẽ trở thành một bình thường mới trong đời sống”, ông Dominic Hwang, Phó Tổng Giám đốc Wistron Corp, nhận định.

TỰ ĐỘNG HÓA GIÚP GIẢM BỚT NHÂN LỰC

Hơn 520.000 robot, được chia thành 10 loại, đang đảm nhận việc phân loại gói hàng, vận chuyển sản phẩm... trong các nhà kho của Amazon trên khắp thế giới. Từ năm 2012, Amazon bắt đầu tính đến việc sử dụng robot để cải thiện năng suất trong chuỗi cung ứng và vận chuyển. Hãng thương mại điện tử này sau đó đã mua lại công ty chế tạo robot Kiva để hiện thực hóa tham vọng. Mười năm sau, Amazon cho biết giờ họ không còn phân vân giữa chọn robot hay con người, mà kết hợp hài hòa để đạt hiệu suất cao nhất.

Mới đây, Amazone đã giới thiệu cánh tay robot có tên Sparrow, được trang bị giác hút và phần mềm trí tuệ nhân tạo nhằm tự động hóa nhiều hơn các hoạt động kho bãi. “Sparrow sẽ đảm nhận các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, cho phép nhân viên Amazon tập trung thời gian và năng lượng vào những việc khác, đồng thời nâng cao sự an toàn. Sparrow sẽ giúp chúng tôi thúc đẩy năng suất hiệu quả bằng cách tự động hóa một phần trong quy trình đóng gói”, Joseph Quinlivan, Phó Chủ tịch Công nghệ và Robot toàn cầu của Amazon cho biết.

Theo WSJ (Wall Street Journal), nếu Sparrow có thể xử lý trên quy mô lớn các mặt hàng đa dạng, chẳng hạn như vitamin, dây đeo đồng hồ Apple và trò chơi board game, con robot này sẽ giúp ích đáng kể cho các hoạt động hậu cần trong bối cảnh tập đoàn này đang tìm mọi cách để cắt giảm chi phí, bao gồm cả cắt giảm nhân sự. Giống Amazon, nhiều nhà khai thác hậu cần cũng ứng dụng cánh tay robot vào kho bãi, đặc biệt trong 2 năm dịch Covid-19 hoành hành. Khi đó, các đơn đặt hàng thương mại điện tử tăng mạnh, trong khi các nhà kho phải vật lộn để tìm nhân công.

Amazon cho biết họ không còn phân vân giữa chọn robot hay con người, mà kết hợp hài hòa để đạt hiệu suất cao nhất.
Amazon cho biết họ không còn phân vân giữa chọn robot hay con người, mà kết hợp hài hòa để đạt hiệu suất cao nhất.

Tại Vương quốc Anh, hãng thương mại điện tử Ocado đã đăng tải trên mạng xã hội một đoạn clip cho thấy hàng ngàn robot di chuyển không ngừng trong một kho hàng rộng hơn 52.000m2, tay lấy hàng, tay bỏ hàng rồi đến đúng khu vực đóng gói. Mỗi ngày, “đội quân” 2.000 robot làm việc trong 20 giờ. Ước tính trong mỗi ca, từng con robot có thể gắp - thả 2 triệu sản phẩm trong kho, hiệu suất này vượt xa một công nhân thông thường.

Theo James Matthews, Giám đốc điều hành của Ocado Technology, một kho hàng tương đương với 35 siêu thị. Ước tính mỗi robot sẽ hoàn thành một quá trình hoàn chỉnh từ khi bắt đầu nhận đơn chỉ khoảng 5 phút, nhanh hơn 5 lần so với con người. Đây là bước tiến công nghệ thay đổi hoàn toàn cách các kho hàng thương mại điện tử vận hành trong tương lai bởi sự tiện lợi và nhanh chóng. Matthews cho hay năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch, doanh số bán lẻ của Ocado Retail đã tăng 4,6% (lên 2,3 tỷ bảng Anh) so với năm 2020. So với năm 2019, doanh số bán hàng đã tăng 41,5% trong hai năm.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, các công ty logistics đã sử dụng robot vận tải để hợp lý hóa quy trình xử lý và đóng gói đơn hàng. Trong khu phức hợp logistics ở thành phố Gunpo gần Seoul, một trong nhiều nhà kho khổng lồ của CJ Logistics, trên tổng diện tích 7.000 m2 có 630 kệ hàng tự động và 101 robot nâng và di chuyển hàng hóa.

Bên cạnh nguy cơ khan hiếm lao động trong ngành logistics, mức lương tối thiểu ở Hàn Quốc, đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua và sẽ tiếp tục tăng lên 9.620 won (7,39 USD) mỗi giờ vào năm 2023. Đó là lý do khiến việc sử dụng robot trở nên tối ưu hơn với nhiều doanh nghiệp. Cuối năm nay, Chính phủ Hàn Quốc sẽ làm rõ định nghĩa pháp lý của robot giao hàng, thiết lập các quy định an toàn và các tiêu chuẩn quản lý khác. Văn bản sửa đổi pháp lý dự kiến sẽ mở đường cho việc sử dụng robot cho các mục đích thương mại.

Theo Business Research Company, quy mô thị trường robot kho toàn cầu dự kiến tăng từ 3,54 tỷ USD năm 2021 lên 4,17 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 17,7% năm 2022,  đạt 6,82 tỷ USD vào năm 2026 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 13,1%, từ năm 2022 đến 2026. Thị trường robot kho hàng bao gồm việc sử dụng hệ thông tự động, robot và phần mềm chuyên dụng để thực hiện các nhiệm vụ khác nhau và hợp lý hóa quy trình tự động hóa trong kho...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 49 phát hành ngày 05-12-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Robot kho hàng: “bình thường mới” của ngành bán lẻ - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate