August 20, 2024 | 14:00 GMT+7

Rong biển khơi dậy tiềm năng kinh tế xanh của Việt Nam

Hà Lê -

Việt Nam có khoảng trên 800 loài rong biển, là loại cây có thể hấp thụ carbon từ khí quyển và trung hòa axit đại dương. Vì thế, đây là loại cây đang được kỳ vọng trở thành giải pháp giúp làm sạch hành tinh một cách kinh tế nhất

Để hiểu rõ hơn về giải pháp này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy có cuộc trao đổi với ông Đinh Xuân Lập, Phó giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Hội Thủy sản Việt Nam, đơn vị đang triển khai một chương trình “Blue Ocean - Blue Foods”nhằm khơi dậy tiềm năng cây rong biển.

Những năm gần đây, Việt Nam đã có những nghiên cứu về rong biển và nhìn thấy tiềm năng của loại cây này. Hiện nay, ICAFIS đang cùng một số doanh nghiệp xây dựng chương trình về rong biển với tên gọi: “Blue Ocean - Blue Foods”. Xin ông cho biết lý do ra đời của Chương trình?

Ý tưởng của dự án này được ICAFIS ấp ủ từ lâu nhưng vẫn chưa có đủ điều kiện để thực hiện. Hầu như các hoạt động của ICAFIS đều dựa vào các nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ nước ngoài cho các chương trình phát triển bền vững.

Tuy nhiên, những năm gần đây, câu chuyện về biến đổi khí hậu toàn cầu luôn được nhắc đến và nhiều chương trình hợp tác quốc tế của ICAFIS về thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu ảnh hưởng biến đổi khí hậu đã ra đời.

Việt Nam có lãnh thổ trải dài trên nhiều vĩ tuyến, địa hình đa dạng và phức tạp, nên có sự khác biệt khá lớn về khí hậu, do vậy tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam rất lớn. Trong đó, những tác động cần chú ý đó là nước biển dâng, xâm nhập mặn, ngập lụt đô thị, đảo nhiệt đô thị và nắng nóng, lũ lụt, sạt lở bờ sông và bờ biển, gió mạnh, bão và áp thấp nhiệt đới…

Chương trình này ra đời nhằm hỗ trợ cộng đồng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, một trong những mục tiêu quốc gia mà Chính phủ đang đặt ra. Việc chọn rong biển xuất phát từ việc trong quá trình ICAFIS làm việc với các tổ chức quốc tế cùng các nhà nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp về biến đổi khí hậu, ai cũng nhận thấy rằng với việc sở hữu bờ biển dài 3.260 km và diện tích mặt nước khoảng 1 triệu km2, Việt Nam rất có tiềm năng để phát triển ngành rong biển.

Hơn nữa, rong biển lại là loại nhóm thực vật bậc thấp, sống ở biển và vùng ven biển. Chúng ta đã xác định được 800 loài rong biển thuộc 4 ngành, trong đó, ngành rong đỏ chiếm hơn 400 loại, ngành rong lục chiếm 180 loại, ngành rong nâu hơn 140 loại và ngành rong lam gần 100 loại.

Quan trọng nhất, rong biển là nguyên liệu xanh, có thể hấp thụ carbon từ khí quyển và trung hòa axit đại dương, đang được kỳ vọng trở thành giải pháp giúp làm sạch hành tinh.

Rong biển có thể lưu trữ 1.500 tấn khí nhà kính trên mỗi km2. Tốc độ phát triển của rong biển cao gấp 30-60 lần so với các loài thực vật trên đất liền, vì vậy có thể hấp thụ rất nhiều CO2, gấp từ 2 đến 4 lần so với cây cối trên đất liền.

Ngoài giá trị về hấp thụ CO2, rong biển còn có tác động đến môi trường, sinh thái biển như tham gia vào các chu trình dinh dưỡng của thủy vực, là nơi sống, trú ẩn, kiếm ăn của nhiều loài sinh vật biển, nhất là thời kỳ còn non; rong biển còn có giá trị lớn đối với đời sống con người như cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến (chiết xuất keo agar, alginat, carrageenan…), làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh…

Với nhiều lợi thế như vậy nhưng rong biển vẫn đang ở dạng tiềm năng. Vậy tại sao chúng ta lại chưa khai thác được những tiềm năng đó, thưa ông?

Chúng ta chưa khai thác được các tiềm năng đó do ba vấn đề. Thứ nhất, là câu chuyện về thị trường. Hiện quy mô thị trường của Việt Nam khoảng 5 tỷ USD/năm, trong khi nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu đối với các mặt hàng chế biến từ rong biển rất lớn, nhưng nguồn nguyên liệu đủ chất lượng, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp lại đang rất thiếu. Các sản phẩm rong biển chưa đa dạng để đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường khác nhau. Hiện, sản phẩm rong biển từ Hàn Quốc, Nhật, Trung Quốc, Thái Lan đang áp đảo thị trường.

Khả năng hấp thụ CO2 của rong biển nhanh gấp 5 lần thực vật cạn, vì thế nuôi trồng rong biển còn thêm cơ hội để có thể bán tín chỉ carbon.
Khả năng hấp thụ CO2 của rong biển nhanh gấp 5 lần thực vật cạn, vì thế nuôi trồng rong biển còn thêm cơ hội để có thể bán tín chỉ carbon.

Thứ hai, đó là vấn đề công nghệ để chế biến sản xuất sản phẩm, công nghệ để chăm sóc rong biển đạt sản lượng, rút ngắn thời gian trồng…

Thứ ba, người sản xuất chưa yên tâm và sự kết hợp với doanh nghiệp sản xuất chế biến rong biển còn lỏng lẻo, chưa tạo thành chuỗi cung ứng sản xuất rong biển… Đồng thời, người tiều dùng cũng chưa có thói quen sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao.

Do đó, để phát triển ngành hàng rong biển chúng ta phải giải quyết được những vấn đề nêu trên.

Thưa ông, vấn đề người dân như ông vừa nói đó là những người nuôi trồng rong biển. Vậy, người dân muốn đầu tư vào nuôi trồng rong biển cần phải chuẩn bị những gì?

Để đầu tư vào nuôi trồng rong biển, người dân không cần vốn lớn. Nhiều đề tài của các nhà khoa học đã tạo ra được các giống rong biển có giá trị dinh dưỡng lớn, năng suất, thu hoạch ngắn ngày đạt hiệu quả kinh tế cao.

Rong biển là loài thực vật thấp, hấp thụ dinh dưỡng từ trong nước biển để sinh trưởng phát triển nên không phải chăm tưới, không phải bón phân. Rong biển sinh trưởng phát triển nhanh, ví dụ như rong nho biển trong vòng 30-40 ngày có thể thu hoạch, hoặc 60-75 ngày nuôi đối với rong sụn.

Do đó, thời gian thu hồi vốn nhanh; chi phí đầu tư thấp; kỹ thuật nuôi đơn giản, dễ áp dụng, ít bệnh tật, rất phù hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình, nhất là đối với những hộ nghèo, giúp họ giảm nghèo bền vững.

Khả năng hấp thụ CO2 của rong biển nhanh gấp 5 lần thực vật cạn, vì thế nuôi trồng rong biển còn thêm cơ hội để có thể bán tín chỉ carbon. Hiện, xu thế sử dụng thực phẩm, năng lượng xanh; hoạt chất của rong tảo có thể sử dụng vào nhiều lĩnh vực như dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón sinh học,… điều này đang mở ra nhiều cơ hội tốt cho nuôi trồng rong biển.

Với Chương trình “Blue Ocean - Blue Foods”, chúng ta hy vọng thúc đẩy thị trường rong biển phát triển như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi hy vọng Chương trình “Blue Ocean - Blue Foods” sẽ nâng cao nhận thức cộng đồng ven biển về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường biển. Thúc đẩy chuỗi kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Thúc đẩy chương trình đồng hành doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường biển “Blue Ocean”.

Một số doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào Chương trình và đang tạo nên một nét mới trong việc phát triển ngành rong biển. Chúng tôi cũng hy vọng “Blue Ocean - Blue Foods” gắn kết với chương trình ESG (môi trường - xã hội - quản trị) doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường biển “Blue Ocean”.

Chương trình sẽ huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển trồng rong biển để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn đầu tư – nuôi trồng – chế biến tiêu thụ rong biển Việt Nam; đồng thời, thúc đẩy hình thành quỹ đầu tư có trách nhiệm trong cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 34-2024 phát hành ngày 19/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Rong biển khơi dậy tiềm năng kinh tế xanh của Việt Nam - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate