Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa gửi công văn đến các UBND tỉnh, thành trong cả nước về việc đôn đốc triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC).
Cụ thể, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động, yêu cầu chủ phương tiện giao thông trên địa bàn thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ phải dán thẻ đầu cuối và sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua các trạm thu phí.
Các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí dán thẻ đầu cuối khi chủ phương tiện đến đăng kiểm phương tiện.
“Bảo đảm đến tháng 6 năm 2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện giao thông thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được dán thẻ đầu cuối để sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng”, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông địa phương tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí tăng cường công tác điều tiết giao thông.
Đồng thời, xử phạt nghiêm theo quy định của Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ đối với người điều khiển phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn thu phí điện tử không dừng gây cản trở giao thông.
Cụ thể, Nghị định 123 vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022 tăng nặng mức phạt, từ 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Mức phạt này áp dụng với xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối nhưng số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả, đi vào làn đường dành riêng thu phí theo hình thức ETC tại các trạm thu phí.
Ngoài ra, tài xế khi đi sai vào làn đường ETC tại các trạm thu phí còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Cập nhật số liệu về phương tiện xe cơ giới dán thẻ đầu cuối đến hết ngày 30/12/2021 tại một số tỉnh, thành phố, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nêu rõ, theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số lượng phương tiện xe cơ giới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là 57.892 phương tiện. Theo thống kê của các nhà cung cấp dịch vụ, số lượng phương tiện dán thẻ đầu cuối tại Khánh Hoà mới đạt 28.589, chiếm 49,38%.
Số lượng phương tiện xe cơ giới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là 69.256 phương tiện, đến hết ngày 30/12/2021, mới có 30.785 phương tiện dán thẻ đầu cuối, chiếm 44,45%...
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến nay có 112 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC). Trong đó, có 63 trạm lắp đủ 100% làn thu phí ETC (4-8 làn), có 30 trạm lắp hơn 3 làn, còn 19 trạm mới lắp đặt được 2 làn. Còn hơn 120 làn thu phí chưa được lắp đặt hệ thống ETC. Trong đó, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây là một trong những tuyến đường cuối cùng trên cả nước chưa có hệ thống ETC.
Về tỷ lệ phương tiện dán thẻ, hiện cả nước có hơn 2 triệu ô tô dán thẻ thu phí không dừng trong tổng số hơn 4 triệu xe. Tuy nhiên, đến nay chỉ có khoảng 60% phương tiện sử dụng dịch vụ này.