Bất ngờ lớn đã diễn ra trong phiên chiều nay khi đà tăng buổi sáng được gia tốc, loạt cổ phiếu vốn hóa lớn tăng cực khỏe, thậm chí GVR, SAB còn kịch trần, giúp VN-Index bay cao 35,81 điểm tương đương 3,44%. Đây là mức tăng một ngày mạnh nhất kể từ đầu năm 2023. HoSE chứng kiến 81 cổ phiếu kịch trần và cả ba sàn là 145 mã.
Những phiên đầu tuần thị trường giảm trong sợ hãi, phiên phục hồi hôm qua trong nghi ngờ và hôm nay thì bùng nổ. Rõ ràng là không có thông tin cơ bản nào xoay chiều nhanh như vậy cả, chỉ có tâm lý là thay đổi.
Điều khá bất ngờ trong phiên tăng mạnh chiều nay là thanh khoản vẫn không cao, hai sàn chỉ khớp thêm gần 8.435 tỷ đồng, tăng 14% so với buổi sáng. Tuy nhiên biên độ tăng giá thì rất rộng: HoSE ngoài 81 mã kịch trần (buổi sáng là 8 mã) còn có tới 180 mã tăng trên 2% và 40 mã khác tăng từ 1% tới 2%.
Trong bối cảnh thị trường rất nóng, dĩ nhiên các cổ phiếu đầu cơ, cổ phiếu thị trường như chứng khoán, bất động sản là mạnh nhất. Nhóm chứng khoán có tới 15 mã kịch trần, bao gồm cả các blue-chips như VND, VCI. Bất động sản có gần 30 mã ở các sàn tăng hết biên độ… Nhóm nặng nề hơn như ngân hàng không thể kịch trần nhưng cũng tới 23/27 cổ phiếu tăng quá 2%. Thậm chí blue-chips như BID, TCB, STB tăng hơn 4%.
Việc thống kê biên độ tăng giá hôm nay là không cần thiết, vì hầu hết đều rất khỏe. Điều quan trọng là thị trường có một phiên tăng bùng nổ giải tỏa sau bao ngày nhà đầu tư chịu sức ép nặng nề. Phiên tăng hôm nay cũng rất dứt khoát, cho thấy sự chuyển biến trong tâm lý thị trường. Từ chỗ tăng tích cực buổi sáng đến bùng nổ đua giá buổi chiều là một thay đổi đáng kể.
Tổng hợp cả phiên, thanh khoản khớp lệnh hai sàn cũng đạt 15.808 tỷ đồng, tăng 26% so với hôm qua và ở mức cao nhất 5 phiên. Dòng tiền đã chấp nhận mua giá rất cao, thậm chí là đuổi giá lên hết biên độ trên diện rộng. Khá nhiều cổ phiếu nhờ biên độ tăng hôm nay đã san bằng mức giảm từ đầu tuần.
Thị trường quay đầu tăng trở lại sau khi VN-Index chạm tới đáy thấp nhất của giai đoạn tích lũy tháng 2 và tháng 3/2023. Trong khi đó kết quả kinh doanh quý 3/2023 dù không đột biến nhưng cũng không phải là kém, nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt cũng bị giảm theo thị trường. Vì vậy sẽ đến lúc có dòng tiền dài hạn vào nâng đỡ.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay cũng có thay đổi tích cực khi đảo chiều mua ròng trở lại khoảng 171,2 tỷ đồng trên sàn HoSE. Phiên sáng khối này bán ròng 329,6 tỷ. Giao dịch bán chủ đạo vẫn là MWG -287,1 tỷ đồng ròng, VHM -103,8 tỷ, VRE -59,4 tỷ, HDB -44,6 tỷ. Phía mua là HPG +74,9 tỷ, TCB +43,5 tỷ, PDR +37,5 tỷ, DGC +33,2 tỷ, VCG +32,9 tỷ…
Từ đầu tuần đến nay dòng vốn ngoại mua bán xen kẽ nhưng không có phiên nào bán ròng quá đột biến. Tuy nhiên dòng vốn ETF ngoại đang có tín hiệu quay lại, đặc biệt là Fubon. Thống kê trong 3 tuần gần đây các quỹ ETF ngoại đều hút vốn ròng, chỉ có ETF nội là Diamond, VFMVN30 và SSIAM Finlead là bị rút ròng nhiều. Trong tháng 10 vừa qua, các quỹ ETF ngoại hút ròng khoảng 1.312 tỷ đồng còn các quỹ ETF nội bị rút ròng hơn 1.000 tỷ đồng.
Việc thị trường quay trở lại điểm xuất phát đầu năm 2023 cho thấy cơ hội phản ánh tốt hơn các kỳ vọng của quý 4/2023 cũng như năm 2024. Nhiều cổ phiếu tăng giá quá mạnh vừa rồi cũng đã điều chỉnh sâu và giá trở nên hợp lý hơn. Mặc dù dòng tiền đầu cơ vẫn đang dò đáy trong sự nghi ngờ, nhưng dòng tiền đầu tư dài hạn sẽ dễ chấp nhận hơn.