Ngày đầu tiên của tháng 2/2025, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế quan lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc, Canada và Mexico. Sắc lệnh do ông Trump ký áp thuế quan 25% lên hàng hóa từ Mexico và Canada và thuế quan 10% đối với hàng hóa Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 4/2.
Việc các quốc gia bị áp thuế quan gây lo ngại về căng thẳng toàn cầu. Trong đó những quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ như Việt Nam cũng có thể trở thành mục tiêu.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2025 diễn ra sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu dự báo, phân tích thật sát tình hình tháng 2 và thời gian tới, nhất là những vấn đề mới, những vấn đề nổi lên, như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới, nếu có sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu; từ đó đề xuất giải pháp của chúng ta để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế đang có để tiếp tục phát triển.
Trao đổi với VnEconomy về việc liệu Việt Nam có thể tránh được những tiêu cực trong chính sách thuế quan của ông Trump hay không? Ông Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhấn mạnh: "Việt Nam trong quan hệ với Mỹ không có vấn đề căn bản lớn cả về kinh tế, thương mại hay công nghệ".
Theo ông Vinh, trong bức tranh thương mại kinh tế toàn cầu, các bên luôn có quan hệ tương hỗ cho nhau. Có bên cung bên cấp thì mới tạo ra mối quan hệ toàn diện trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng có sự phụ thuộc giữa các quốc gia.
Trên thế giới cũng có những đối tác lớn, tạo ra dòng chảy kinh tế mang tính chi phối trên toàn cầu. Trong đó, nếu chỉ tính dựa trên GDP thì riêng Mỹ và Trung Quốc đã chiếm hơn 40% toàn cầu. Chính vì vậy, hoạt động thương mại của 2 quốc gia này là rất quan trọng. Tổng thống Donald Trump, với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, có mong muốn lấy lại vị thế của Mỹ cũng như khôi phục “công bằng thương mại” theo quan điểm của ông để nước Mỹ không còn bị lạm dụng.
Để đạt được mục tiêu này, ông Trump sẽ ưu tiên sử dụng các công cụ như thuế quan để gây áp lực lên các nước và đạt được thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải cân nhắc 2 yếu tố.
Đầu tiên là cần phải đánh giá xem mình có vấn đề gì với Mỹ hay không, có phải đối tượng mục tiêu chính của Mỹ hay không. Trên thế giới hiện nay, dựa trên nhiệm kỳ đầu của ông Trump cũng như chính sách chung của Mỹ, thì đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất của quốc gia này vẫn là Trung Quốc. Chính vì vậy, Tổng thống Trump sẽ sử dụng các phương thức đặc biệt khi nhằm vào Trung Quốc.
Thứ 2 là Tổng thống Trump cũng sẽ chú ý đến nhưng quốc gia có liên quan đến Trung Quốc hay có yếu tố mất cân bằng với Mỹ, trong đó thâm hụt thương mại cũng là một tiêu chí được đánh giá.
Đối với Việt Nam, thâm hụt thương mại hiện tại với Mỹ là một phần của mối quan hệ bổ khuyết cho nhau. Tỷ lệ Việt Nam gian dối về xuất xứ hàng hóa rất nhỏ và chỉ xuất hiện trong các trường hợp đơn lẻ của một số ít doanh nghiệp chứ không phải tiêu chuẩn vận hành thông thường của nền kinh tế. Nếu nói đến thành phần có xuất xứ từ Trung Quốc thì không chỉ Việt Nam mà sản phẩm của các quốc gia trên toàn thế giới đều có. Các sản phẩm như iPhone của Mỹ cũng có thành phần từ Trung Quốc. Minh bạch xuất xứ hàng hóa và gian dối xuất xứ hàng hóa là hai vấn đề khác nhau. Theo đó, tỷ lệ gian dối xuất xứ hàng hóa của Việt Nam rất nhỏ.
![Ông Phạm Quang Vinh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ. ](https://media.vneconomy.vn/w900/images/upload/2025/01/29/screen-shot-2025-01-29-at-09-23-48.png)
Thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là một vấn đề tương hỗ khách quan trong thương mại giữa các nền kinh tế. Nếu Mỹ hạn chế Trung Quốc thì đương nhiên sẽ phải tăng nhập khẩu từ các nước khác, trong đó Việt Nam là một quốc gia có lợi thế cạnh tranh.
Cách đánh thuế của ông Trump được tạo ra không chỉ để cải thiện thâm hụt thương mại mà còn là công cụ giải quyết tranh chấp và vấn đề lớn với quốc gia khác. Tuy nhiên, Việt Nam trong quan hệ với Mỹ không có vấn đề căn bản lớn cả về kinh tế, thương mại hay công nghệ.
Trước đây, vấn đề thao túng tiền tệ từng gây chú ý. Tuy nhiên, Mỹ cũng có 3 tiêu chí riêng để quyết định liệu một quốc gia có vi phạm hay không. Chính sách Việt Nam không có chủ ý trục lợi từ Mỹ khi điều hành tài chính vĩ mô. Nước ta cũng rất chủ động lắng nghe lo ngại của đối tác nên vào cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục duy trì hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính Mỹ về vấn đề này.
Từ những yếu tố trên, chúng ta có thể thấy rằng tuy không thể loại trừ việc Tổng thống Trump có thể áp thuế lên một số mặt hàng như thép hoặc kẽm của Việt Nam, rủi ro áp thuế lên toàn bộ nền kinh tế là khá thấp. Ngay cả chính quyền Tổng thống Biden cũng áp thuế lên một số mặt hàng của Việt Nam.
Việt Nam cần phải tránh rủi ro bị đánh thuế lên toàn bộ mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ. Để làm được điều này thì cần phải thực hiện một số giải pháp.
Đầu tiên là đảm bảo tính công bằng thương mại, trong đó có minh bạch xuất xứ hàng hóa. Thứ hai là tích cực mở rộng, tạo thuận lợi môi trường đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam. Thứ ba là cần thiết lập những cơ chế đối thoại nhằm giải quyết sớm và nhanh chóng những thắc mắc của cả 2 bên. Cuối cùng là tiếp tục làm sâu sắc và đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước.
"Để tống kết lại, sẽ có những khó khăn và thách thức đối với thế giới từ thay đổi của Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm cho Việt Nam tranh thủ ngoại lực để tạo bứt phá mới. Nên Việt Nam cần chủ động tạo môi trường thuận lợi về cơ chế chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực và cả về tư duy để chớp được cơ hội này", Nguyên Đại sứ Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.