Hôm 11/6, S-Fone đã đơn phương thông báo kết thúc hợp đồng lao động đối với tất cả cán bộ nhân viên, để thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty trách nhiệm hữu hạn.
Chuyện doanh nghiệp cho nhân viên nghỉ việc không có gì đáng ngạc nhiên cả, nhưng việc S-Fone “đùng một cái” dừng hợp đồng với tất cả cán bộ công nhân viên là việc khá bất ngờ và thuộc hàng hiếm.
Trả lời VnEconomy về vấn đề này cũng như việc doanh nghiệp nợ tiền trợ cấp thôi việc và bảo hiểm xã hội với những nhân viên đã nghỉ việc trước đó, bà Trần Thị Ngọc Bình, Chủ tịch Hội
đồng Quản trị SPT – đơn vị sở hữu mạng S-Fone hôm qua (17/7) cho biết, công ty đang cố gắng giải quyết các nguồn vốn để trả nợ cho người
lao động.
Theo bà Bình, việc chấm dứt hợp đồng là để “cơ cấu, tổ chức lại cho đúng và phù hợp với yêu cầu mới của doanh nghiệp”. Đây là việc phải làm, vì khi doanh nghiệp chuyển đổi hình thức hoạt động kinh doanh, thì đều phải chấm dứt hợp đồng cũ để “lập lại hợp đồng” theo hình thức mới. Từ tổng giám đốc trở xuống đều phải làm.
Câu chuyện sẽ không có gì phải bàn tính nếu đơn thuần chỉ là việc “chấm dứt hợp đồng cũ để lập lại hợp đồng". Nhưng trong bản thông báo, S-Fone không hề đề cập gì đến việc người lao động có tiếp tục được ký lại hợp đồng lao động hay không, sau khi công ty này hoàn tất việc chuyển đổi mô hình hoạt động.
Theo nguồn tin của VnEconomy, S-Fone đã không đạt được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với người lao động, vì rất nhiều người đang làm việc tại S-Fone lo ngại khả năng không được công ty thanh toán các khoản tiền sau khi thôi việc. Vì thế, người lao động đã không nộp đơn xin thôi việc hoặc ký vào quyết định đề nghị thôi việc.
Ngoài ra, việc chấm dứt hợp đồng lao động trên lại không dựa trên sự thỏa thuận giữa công ty và người lao động, mà là dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa đại diện của SPT với đại diện công đoàn của công ty (!).
S-Telecom đã đưa ra một loạt các căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động và khẳng định “việc thanh toán chấm dứt hợp đồng lao động cho cán bộ nhân viên của công ty SPT là đúng pháp luật lao động và Luật Bảo hiểm xã hội”.
Những nội dung trong thông báo chấm dứt hợp đồng lao động cho thấy không có một tín hiệu hay sự ràng buộc gì giữa công ty và người lao động, để người lao động sẽ trở lại làm việc sau khi S-Fone chuyển đổi xong sang hình thức mới.
Cuối thông báo do Giám đốc điều hành Phạm Tiến ký chỉ có lời cảm ơn chân thành đến cán bộ nhân viên của S-Fone và hy vọng S-Telecom sẽ sớm khôi phục hoạt động kinh doanh trong tương lai, để có thể đón tiếp cán bộ nhân viên trở lại cộng tác.
Tín hiệu “được trở lại làm việc” được bà Trần Thị Ngọc Bình cho biết, là trong quá trình tái cơ cấu có những bộ phận, nhân lực sẽ được giữ lại, có những bộ phận sẽ được giảm đi. Dù rằng, thời điểm này, chưa biết bộ phận, phòng ban nào sẽ được giữ lại.
Tuy nhiên, nỗi lo lớn hơn là sau khi dừng hợp đồng, người lao động có nhận được khoản tiền trợ cấp thôi việc và bảo hiểm xã hội hay không. Hôm 13/7 vừa qua, hơn 30 nhân viên từng công tác tại S-Fone Đà Nẵng đã tập trung tại chi nhánh SPT Đà Nẵng để yêu cầu công ty này trả nợ.
Bà Bình không giấu giếm rằng, hiện doanh nghiệp nào cũng khó khăn, nhất là S-Fone vừa phải giải quyết chuyện cũ, vừa phải chuyển sang hình thức mới. Do vậy, công ty mới có chuyện nợ và đó chỉ là về mặt tiến độ.
“Có ai muốn nợ đâu. Hiện nay, ban điều hành đang sắp xếp, giải quyết các nguồn vốn để thanh toán nợ cho người lao động. Doanh nghiệp không từ bỏ trách nhiệm đó với người lao động. Chỉ có điều trong hoàn cảnh khó khăn thì chưa làm đúng như tiến độ mong muốn”, bà Chủ tịch SPT giãi bày.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate