February 16, 2022 | 17:20 GMT+7

Sabeco sẽ chi khoảng 962 tỷ đồng tạm ứng cổ tức năm 2021

Hà Anh -

Ngày 3/3 tới đây, Sabeco sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền tỷ lệ 15%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.500 đồng.

Sơ đồ giá cổ phiếu SAB từ đầu năm 2022.
Sơ đồ giá cổ phiếu SAB từ đầu năm 2022.

Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (mã SAB-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2021.

Theo đó, ngày 3/3 tới đây, Sabeco sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền tỷ lệ 15%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 1.500 đồng. Thời gian thanh toán là ngày 23/3/2022.

Như vậy với hơn 641,28 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Sabeco sẽ chi khoảng 962 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông.

Về kết quả kinh doanh năm 2021, công ty ghi nhận doanh thu quý 4/2021 đạt 9.090 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 1.400 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.

Luỹ kế năm 2021, doanh thu của Sabeco đạt 26.374 tỷ đồng, giảm 5,7% so với năm trước. Do chi phí tăng cao, lợi nhuận sau thuế đạt 3.929 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ.

SAB cho biết, hoạt động kinh doanh đã phục hồi trong quý 4/2021 sau khi các tỉnh phía Nam mở cửa trở lại bình thường sau thời gian tạm dừng vì Covid-19, nhờ vậy doanh thu và lợi nhuận của công ty cao hơn so với quý 3/2021 lần lượt là 110% và 197%.

Mới đây, VCSC đã tham gia cuộc họp gặp gỡ nhà đầu tư trực tuyến của SAB diễn ra ngày 11/02/2021. Những ghi nhận chính của chúng tôi từ cuộc họp gần như phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi về sự phục hồi dần của ngành bia trong năm 2022 và tăng cường khả năng cạnh tranh của SAB nhờ tăng cường đầu tư vào marketing, phân phối thương mại hiện đại và cao cấp hóa sản phẩm.

Cụ thể: Về tiêu thụ bia trong nước đang dần phục hồi khi các hạn chế về giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Theo ban lãnh đạo, các kênh bán dùng tại chỗ như quán karaoke và bar ở TP. HCM đã mở cửa trở lại trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, ban lãnh đạo dự kiến tiêu thụ bia trong nước sẽ không quay trở lại mức năm 2019 cho đến năm 2023 do người dân vẫn thận trọng về tụ họp đông người.

Mặt khác, SAB đang chiếm thị phần nhờ marketing và phân phối hiệu quả hơn. Theo ban lãnh đạo, SAB đã liên tục giành được thị phần trong vòng 6-7 tháng qua qua và trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong quý 4/2021. SAB cho rằng thành tích đến từ (1) xu hướng mua các sản phẩm phân khúc thấp hơn của người tiêu dùng, có lợi cho thế mạnh của SAB trong phân khúc bia phổ thông, (2 ) Sự hiện diện của SAB được cải thiện trong các nền tảng thương mại hiện đại, (3) SAB khởi động chiến dịch Tết sớm hơn năm 2021 so với các năm trước, và (4) các chiến dịch marketing và khuyến mãi hiệu quả của SAB, đặc biệt là chiến dịch Tết. Ví dụ: vào đầu quý 4/2021, SAB đã tung ra bao bì phiên bản giới hạn - bao gồm 63 lon cho 63 tỉnh/thành phố của Việt Nam - cho các thương hiệu chính của công ty là Bia Sài Gòn Lager và Bia Sài Gòn Export, tiếp tục nhấn mạnh chiến lược xây dựng thương hiệu “Tự hào quốc gia”.

Về chi tiêu cho marketing được duy trì ở mức cao để củng cố thị phần trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, ban lãnh đạo kỳ vọng chi phí tiếp thị trong % doanh thu sẽ giảm trong trung hạn khi các khoản đầu tư marketing sẽ mang lại kết quả cho tăng trưởng doanh thu.

Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp năm 2022 sẽ tăng lên so với quý 4/2021 nhờ những cải thiện về giá/cơ cấu sản phẩm, tiết kiệm chi phí và phòng hộ cho giá nguyên vật liệu. Trong năm 2021, SAB đã thực hiện 2 đợt tăng giá, bao gồm một đợt tăng giá vào giữa tháng 12/2021 sẽ có hiệu lực hoàn toàn trong quý 1/2022. Doanh số bán bia phổ thông cao cấp tăng mạnh cũng sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận. Về mặt chi phí, ban lãnh đạo sẽ tiếp tục tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và nguyên liệu trong khi các hoạt động phòng hộ rủi ro sẽ phần nào kiềm chế áp lực tăng chi phí nguyên vật liệu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate