September 15, 2016 | 15:06 GMT+7

Sabeco xin niêm yết trên sàn HOSE

Lâm An

Sabeco đang thực hiện thương thảo, và dự kiến sẽ ký hợp đồng tư vấn niêm yết với Chứng khoán Maybank Kim Eng trước ngày 20/9/2016

Sabeco là hãng bia Việt lớn nhất hiện nay với tổng tài sản 18.130 tỷ 
đồng, Nhà nước đang nắm giữ 89,59% vốn và đã có kế hoạch thoái.
Sabeco là hãng bia Việt lớn nhất hiện nay với tổng tài sản 18.130 tỷ đồng, Nhà nước đang nắm giữ 89,59% vốn và đã có kế hoạch thoái.
Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa chính thức có công văn gửi lên Bộ Công Thương đề xuất chấp thuận việc Sabeco thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Tp.HCM (HOSE) trong thời gian tới.

Theo công văn này, trên cơ sở xem xét các tiêu chuẩn niêm yết đối với doanh nghiệp, quy mô, uy tín và mức độ thanh khoản và sự quan tâm của giới đầu tư giữa hai sở giao dịch chứng khoán, Sabeco đã lựa chọn Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) để niêm yết.

Sabeco dự kiến, để niêm yết cổ phiếu ước tính sẽ mất 2 tháng, tính từ thời điểm được phê duyệt và cấp giấy phép niêm yết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Sabeco cho biết sẽ thực hiện nhanh nhất có thể, cố gắng rút ngắn thời gian một số khâu.

Hiện Sabeco đang thực hiện thương thảo, và dự kiến sẽ ký hợp đồng tư vấn niêm yết với Công ty TNHH MTV Chứng khoán Maybank Kim Eng trước ngày 20/9/2016.

Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu hai tổng công ty Sabeco và Habeco phải niêm yết sớm.

“Hiện nay Sabeco và Habeco chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, đây là trách nhiệm của hai doanh nghiệp không thực hiện đúng tinh thần của luật. Luật đã quy định, đã tất cả các doanh nghiệp thuộc diện này đều phải niêm yết, không phải chuyện muốn hay là không”, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt lại những chỉ đạo của Thủ tướng.

Thông tin thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo việc thoái vốn tại Habeco và Sabeco phải thực hiện công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, tránh hiện tượng lợi ích nhóm trong quá trình thoái vốn và gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, cổ đông.

Đồng thời, phải tiến hành niêm yết cổ phiếu của hai đơn vị này trước khi thực hiện việc thoái vốn, tổ chức thuê tư vấn, kể cả tư vấn nước ngoài để bảo đảm chính xác, minh bạch.

Sabeco là hãng bia Việt lớn nhất hiện nay với tổng tài sản 18.130 tỷ đồng, Nhà nước đang nắm giữ 89,59% vốn và đã có kế hoạch thoái.

Do vốn của Sabeco lớn nên Bộ Công Thương đề nghị thoái vốn chủ sở hữu Nhà nước theo lộ trình làm hai đợt, đợt 1 bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng trong năm 2016. Đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017 sau khi Sabeco đã thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, cho thấy doanh thu công ty mẹ Sabeco đạt 14.322 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.971 tỷ đồng. Đặc biệt, Sabeco có lượng tiền mặt gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 3 tháng, hưởng lãi suất 5,5 -6,2% một năm.

Cũng theo báo cáo tài chính, Sabeco có khoảng 4.076 tỷ đồng đầu tư vào công ty con, công ty liên kết. Tuy nhiên, công ty đã phải trích lập khoảng 490 tỷ đồng dự phòng.

Đặc biệt, hai khoản đầu tư phải hạch toán lỗ cho Bia Sài Gòn là đầu tư 216 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại Phương Đông (OCB) - hiện phải trích lập dự phòng khoảng 158 tỷ đồng. Khoản đầu tư 136 tỷ đồng vào Ngân hàng Thương mại Đông Á (DongABank) cũng khiến công ty đang phải trích lập tới 111 tỷ đồng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate