February 21, 2012 | 15:43 GMT+7

Sacombank và giả thiết không có màu hồng

Minh Đức

Có thể, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sẽ phải đối diện với sự khắc nghiệt của thị trường

VnEconomy đã nhận được nhiều ý kiến đa chiều từ những người trong và ngoài cuộc về sự kiện Eximbank gửi đề nghị tới Sacombank, liên quan đến một số nội dung chuẩn bị cho đại hội đồng cổ đông sắp tới.
VnEconomy đã nhận được nhiều ý kiến đa chiều từ những người trong và ngoài cuộc về sự kiện Eximbank gửi đề nghị tới Sacombank, liên quan đến một số nội dung chuẩn bị cho đại hội đồng cổ đông sắp tới.
Với nhiều nhà đầu tư và cổ đông, họ dự tính sẽ có những đổi thay tích cực. Song cũng có thể, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sẽ phải đối diện với sự khắc nghiệt của thị trường.

VnEconomy đã nhận được nhiều ý kiến đa chiều từ những người trong và ngoài cuộc về sự kiện Eximbank gửi đề nghị tới Sacombank, liên quan đến một số nội dung chuẩn bị cho đại hội đồng cổ đông sắp tới.

Sau hơn một năm với nhiều đồn đoán, nhiều sự kiện xoay quanh trục thay đổi cổ đông nội bộ tại Sacombank và một nhóm nhà đầu tư âm thầm mua vào, bước ngoặt của thông tin được cho là đã chính thức gợi mở.

Để có một ly cà phê ngon…?

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), sau khi trở thành cổ đông lớn và được ủy quyền đại diện cho nhóm cổ đông đa số, đã có văn bản gửi tới Sacombank với những đề nghị quan trọng về hoạt động và tổ chức nội bộ của doanh nghiệp.

Hiệu ứng của thông tin đó là mạnh. Song trước hết có thể đón nhận một cách bình thường và đơn giản: đề nghị của Eximbank là tiếng nói của cổ đông.

Trao đổi với VnEconomy về khía cạnh này, một người trong cuộc nói: “Tôi vào quán uống cà phê, tôi trả tiền, tôi có quyền đòi hỏi một ly đậm hoặc nhạt, nhiều hoặc ít đường chứ. Đó là đòi hỏi hợp lý. Đơn giản vậy thôi”.

Với trường hợp của Sacombank, văn bản của Eximbank cũng nêu rõ là họ không hài lòng với kết quả kinh doanh vừa qua, cũng như chỉ tiêu “được biết” cho năm 2012. Theo đó, đại diện được ủy quyền cho nhóm cổ đông đa số đưa ra yêu cầu nâng cao hơn chỉ tiêu lợi nhuận.

Hay một nguyên do để nhóm cổ đông lớn đưa ra các đề nghị là vừa qua Sacombank thực hiện một số hợp đồng, giao dịch lớn có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông và họ lên tiếng tăng cường giám sát… Rồi thông tin bên lề, cũng đã được báo chí đề cập, là có chuyện đơn thư về khả năng có hiện tượng tẩu tán tài sản tại Sacombank (Chủ tịch Sacombank đã lên tiếng phủ nhận).

Ở đây, sự lên tiếng của nhóm cổ đông lớn được xem là để bảo vệ lợi ích của cổ đông nói chung. Những đề nghị đó là để xây dựng, để tạo sức ép Sacombank phải lành mạnh hơn nữa, hoạt động tốt hơn nữa. Ở khía cạnh này, tiếng nói cổ đông đó được ủng hộ, là tích cực. Không chỉ riêng nhóm Eximbank đại diện, mà các cổ đông khác, họ mong muốn doanh nghiệp mình đầu tư hoạt động tốt hơn để tạo khả năng sinh lời cao hơn.

Song, sự kiện có lẽ không chỉ gói gọn có vậy.

Thị trường khắc nghiệt

Giám đốc một chi nhánh ngân hàng nhắn tin cho người viết: “Đọc tin xong, nhân viên phòng anh xôn xao cả ngày hôm nay”. Họ xôn xao về khả năng có thay đổi nhân sự cao cấp tại Sacombank sau khi nhóm cổ đông lớn đề nghị.
 
Nếu giả sử có sự thay đổi lớn như vậy thì cũng không quá bất ngờ. Hơn một năm qua, thị trường đã có nhiều đồn đoán và bình luận. Eximbank cũng không bỗng chốc có ngay quyền đại diện của hơn 51% cổ phần. Đó là một kế hoạch đã được tính toán và mang tính lâu dài.

Và làm sao nhóm cổ đông lớn có được con số hơn 51% cổ phần đó cũng là một câu hỏi mà hẳn mỗi nhà đầu tư, nhà quản trị doanh nghiệp đều quan tâm…

Như trên, nếu chỉ là yêu cầu hợp lý từ tiếng nói của cổ đông, vì sao hai bên phải mất nhiều phiên thảo luận như vậy? Và hiện Sacombank vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức? Hay đặt thẳng vấn đề ra như một số phương tiện truyền thông phản ánh: ở đây là một cuộc đua giành quyền kiểm soát Sacombank.

Một người trong cuộc chia sẻ với VnEconomy góc nhìn của mình rằng: quan điểm của Sacombank đưa ra vừa qua là sẵn sàng mở cửa chào đón những nhà đầu tư đến hợp tác và gắn bó lâu dài; song dường như đang có sự nghi ngại ở dòng vốn nóng, đầu tư đơn thuần và sẵn sàng chốt lời khi được giá; hoặc dè chừng những tác động bất lợi nào đó trong hoạt động kinh doanh nếu có những xáo trộn về nhân sự điều hành…

Theo đó, Sacombank đã và đang có sự phòng thủ. Đã là công ty đại chúng, nhà đầu tư đến và đi là bình thường trên thị trường, sao lại cần phòng thủ? Người trong cuộc nói trên suy tính rằng, họ lo ngại bị mất quyền kiểm soát và Sacombank sẽ không còn là Sacombank như trước nữa. Nếu tốt hơn thì đã đành, nhưng nếu xấu đi thì sao?

Một giả thiết theo đó được đặt ra. Với độ mở của thông tin sự kiện đến thời điểm này, mọi giả thiết dù sao cũng chỉ là giả thiết: Nếu có thay đổi, Sacombank không còn như trước, trở thành một công cụ được điều hành cho những mục đích của những người kiểm soát, gắn với việc điều hành các hoạt động tín dụng, hỗ trợ thanh khoản, đầu tư… “khác” với trước đây mà ban điều hành hiện tại không mong muốn? Giả thiết này là đáng để lưu ý khi giải thích cho sự phòng thủ của Sacombank hiện tại.

Song, một cổ đông trong nhóm đa số đó nêu ý kiến phản biện: các nhà đầu tư đã đến với Sacombank, đã đổ vào đó hàng nghìn tỷ đồng, nên không ai muốn tạo nên những dư chấn bất lợi cho nguồn vốn của mình, “không phải tạo nên một đống tro tàn rồi ra đi”. Tại sao không đặt vấn đề ở việc xây dựng và củng cố ngân hàng bền vững hơn, hiệu quả hơn để tạo thêm lợi ích cho cổ đông, cho các khoản đầu tư?

Cũng theo ý kiến trên, trong trường hợp là dòng vốn nóng sẵn sàng chốt lời khi có thể, mấu chốt là thị trường và sự khắc nghiệt của nó: “Anh là một công ty đại chúng. Anh không thể phủ nhận thực tế của thị trường. Cũng như chứng khoán Việt Nam không thể phủ nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài đến, giá lên và họ rút tiền về. Hơn nữa, pháp luật bảo hộ cho hoạt động đầu tư như vậy”.

“Thời gian qua tại Sacombank mọi người chứng kiến việc thoái vốn của các cổ đông lớn là Dragon Capital, ANZ và REE. Thông tin giải thích chủ yếu tập trung ở chủ thể chuyển nhượng, là sau một thời gian dài gắn bó, là thay đổi chiến lược và cơ cấu danh mục, đã hài lòng với khoản đầu tư… Tại sao lại không tập trung giải thích có nguyên nhân nào từ đối tượng chuyển nhượng hay không?”, ý kiến trên đặt vấn đề.

Theo đó, nếu có nguyên nhân từ đối tượng, cũng như những nguyên do mà nhóm cổ đông lớn đề cập đến trong văn bản trên, yêu cầu cần có thay đổi được họ đặt ra. Ở đây dư luận quan tâm là ở quyền quản trị và điều hành của Sacombank. Nếu điều đó xảy ra và đúng quy định của pháp luật hiện hành, cũng là một lẽ khắc nghiệt của thị trường.

Và nếu điều đó xảy ra, thị trường mong đợi sự đổi thay để tốt hơn, và Sacombank sẽ mong đợi không rơi vào giả thiết không phải màu hồng đó.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate