Đối với ngành hàng không, đây là một thách thức khổng lồ nếu chúng ta nhìn vào tốc độ phát triển của ngành trong những năm qua và mức độ ảnh hưởng của phát thải trong ngành. Theo báo cáo "Thực trạng ngành hàng không bền vững" của tổ chức Simpliflying, nếu chúng ta không làm gì, thì mức phát thải 2-3% của ngành hàng không hiện nay sẽ tăng nhanh lên mức 25% tổng lượng phát thải carbon toàn cầu vào năm 2050.
Trên thực tế, nếu toàn bộ ngành hàng không là một quốc gia, thì đó sẽ là một trong top 10 quốc gia gây ô nhiễm carbon hàng đầu trên hành tinh. Theo báo cáo của worldwildlife.org, di chuyển hàng không hiện cũng là hoạt động thải nhiều carbon nhất mà một cá nhân có thể thực hiện. Một hành khách bay từ New York đến London và ngược lại thải ra nhiều khí thải hơn một người trung bình ở Paraguay trong suốt cả năm. Vì thế, ngành hàng không toàn cầu cần phải đi theo một lộ trình bền vững ngay từ bây giờ.
Hiện tại, nhiên liệu hàng không bền vững (Sustainable Aviation Fuel - SAF) là phương án duy nhất sẵn sàng để ngành hàng không khử carbon, khi các công nghệ khác (như máy bay hydro hoặc máy bay điện) còn rất nhiều năm nữa mới có thể thương mại hóa.
TỐC ĐỘ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG SAF
Trong giai đoạn sơ khởi hiện nay, việc phát triển SAF vẫn còn nhiều thách thức: SAF đắt hơn nhiều so với nhiên liệu phản lực truyền thống (Jet); nguồn cung của SAF còn rất hạn chế; và cách tìm nguồn nguyên liệu và năng lượng tái tạo cần thiết cho sản xuất SAF còn chưa rõ ràng. Tuy vậy, thị trường SAF đã nhanh chóng phát triển với một tốc độ đáng kể.
Theo ResourceWise, thị trường đã tăng trưởng từ 520 triệu USD vào năm 2023 lên mức ấn tượng 790 triệu USD (dự kiến) vào năm 2024. Mức tăng trưởng SAF hàng năm hơn 250 triệu đô la là minh chứng cho nhu cầu to lớn về các giải pháp bền vững. Công ty nghiên cứu Research and Markets dự đoán thị trường SAF sẽ đạt 3,92 tỷ USD vào năm 2028. Con số này đánh dấu mức tăng gần gấp năm lần so với doanh số bán hàng hiện tại chỉ trong vòng bốn năm.
CÁC LỰC ĐẨY CHO “XU THẾ” SAF
Trong xu hướng xanh hóa ngành hàng không - greening the aviation, chúng ta đã thấy nhiều hãng hàng không trên toàn thế giới sử dụng SAF. Các sân bay cũng đã cung cấp nhiều lợi ích và ưu đãi khác nhau cho các công ty trong ngành hàng không để bắt đầu chuyển đổi sang các giải pháp thay thế có thể tái tạo.
Các tổ chức như Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Hiệp hội Thí nghiệm và Vật liệu Hoa Kỳ (ASTM) đã có một nỗ lực để cải thiện quy trình chuỗi cung ứng và phổ cập thông tin về SAF. Tất cả những điều này sẽ giúp giảm chi phí áp dụng đồng thời tăng tính khả dụng của sản phẩm này trên quy mô toàn cầu.
Sự tăng trưởng này của SAF còn được thúc đẩy những cam kết mang tính ràng buộc khắt khe hơn từ chính phủ, các nhóm môi trường và chính ngành hàng không. Chương trình bù trừ và giảm thiểu carbon cho hàng không quốc tế (CORSIA) của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đang đặt ra các mục tiêu nghiêm ngặt để giảm lượng khí thải hàng không, là kim chỉ nam tiếp tục thúc đẩy các hãng hàng không áp dụng SAF rộng rãi hơn.
Các chính phủ đã và đang đưa ra những chính sách bắt buộc tuân thủ tỷ lệ sử dụng SAF tối thiểu như tại Châu Âu (RefuelEU) hay như tại Nhật Bản, Singapore và Indonesia. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đang tiến hành hỗ trợ chính sách cho nghiên cứu và phát triển nhiên liệu SAF.
CÁC CÔNG TY HIỆN HỮU CŨNG NHƯ CÁC STARTUP ĐANG ĐẦU TƯ MẠNH MẼ VÀO TƯƠNG LAI CỦA SAF
Các doanh nghiệp đang áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để tham gia vào chuỗi cung ứng SAF. Theo Báo cáo Sustainable Aviation Fuel Powerlist 2023 của Simpliflying, hiện nay đã có đến 100 doanh nghiệp đang hoạt động và phát triển các giải pháp khác nhau trong chuỗi cung ứng SAF.
Một số công ty đang tập trung vào việc phát triển và chuyển giao công nghệ sản xuất (như Honeywell UOP, Topsoe, Velocys...), trong khi các công ty lớn hơn cung cấp giải pháp trọn gói từ bảo đảm nguồn nguyên liệu đến sản xuất và cung ứng SAF đến cánh máy bay (feedstock-to-wingtip approach) (như Neste, SkyNRG,...).
Hiện tại ở Việt Nam, đã có những hãng hàng không và các nhà cung cấp tiên phong trong việc sử dụng nhiên liệu SAF.
Có thể kể đến Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có chuyến bay sử dụng nhiên liệu SAF đầu tiên với số hiệu VN660, hành trình từ Singapore đến Hà Nội vào ngày 27/05/2024.
Hãng hàng không ThaiVietjet cũng đã có chuyến bay sử dụng SAF từ sân bay Phuket Thái Lan đến Đà Nẵng vào ngày 10/07/2024.
Về phía các nhà cung cấp, Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex (Petrolimex Aviation) là doanh nghiệp đầu tiên có kế hoạch triển khai nhập khẩu và cung ứng SAF tại Việt Nam. Trong thời gian sắp tới, chúng ta cũng có thể kì vọng SAF sẽ sớm được cung cấp tại thị trường Việt Nam và do các công ty của Việt Nam cung cấp và sản xuất.
Có thể thấy rằng, khi ngày càng nhiều quốc gia và doanh nghiệp cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero 2050) và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, vai trò của SAF trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ trở nên vô cùng quan trọng.
Như vậy, có thể nói SAF là xu thế tất yếu và thị trường SAF sẽ ngày càng phát triển khi thế giới nói chung và ngành hàng không nói riêng hướng tới một tương lai xanh và bền vững.