January 28, 2021 | 17:28 GMT+7

Samsung chuyển thành doanh nghiệp chế xuất tại Việt Nam

PHẠM VINH

Với việc được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp chế xuất, SEHC sẽ không phải đóng thuế nhập khẩu linh phụ kiện trước để sản xuất

Công nhân nhà máy Samsung đang kiểm tra sản phẩm.
Công nhân nhà máy Samsung đang kiểm tra sản phẩm.

Ban quản lý Khu Công nghệ cao Tp.HCM (SHTP) vừa trao giấy chứng nhận điều chỉnh mô hình hoạt động cho Samsung HCMC CE Complex (Công ty SEHC) sang doanh nghiệp chế xuất. Theo đó, từ 27/1/2021, SEHC sẽ hoạt động theo hình thức "doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong khu công nghệ cao" với điều kiện giá trị xuất khẩu đạt tỷ lệ 90% trở lên.

Theo Ban quản lý SHTP, việc cho phép Samsung chuyển đổi mô hình hoạt động doanh nghiệp chế xuất này cũng dựa vào Nghị quyết 149 của Chính phủ ngày 10/10/2020. Cụ thể, tại mục 7 của Nghị quyết 149 nêu: "Chính phủ thống nhất cho phép Công ty SEHC được chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất trong khu công nghệ cao Tp.HCM theo đề nghị của UBND Tp.HCM để tạo điều kiện cho công ty mở rộng quy mô tại Việt Nam, tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu".

Trước đó vào tháng 9/2020, UBND Tp.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về chủ trương cho Công ty SEHC chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất theo hình thức doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu, hoạt động tại SHTP.

Việc chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất sẽ tiếp tục hỗ trợ SEHC đầu tư sản xuất xuất khẩu hiệu quả và hiệu suất cao hơn. Đồng thời việc này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng Samsung và các doanh nghiệp phụ trợ trên địa bàn nói chung đầu tư sản xuất kinh doanh có trọng tâm, trọng điểm, đem lại giá trị thặng dư tốt hơn.

Công ty SEHC hoạt động tại SHTP với ngành nghề sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử gia dụng gồm ti vi thông minh, ti vi LED và màn hình có độ phân giải cao… Tại đây, Công ty SEHC cũng thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật tiên tiến cho các nhà máy điện tử của Tập đoàn Samsung. Doanh nghiệp này cũng thành lập phòng thí nghiệm đo kiểm trong lĩnh vực điện tử, viễn thông để đo kiểm các chỉ số của ti vi theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tổ hợp sản xuất hàng điện tử tiêu dùng của Samsung tại SHTP hiện có khoảng 6.000 nhân viên.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp chế xuất được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ khu chế xuất xuất khẩu ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài nhập khẩu vào khu chế xuất, được hưởng các ưu đãi về thuế đối với trường hợp khuyến thích, đặc biệt khuyến khích đầu tư.

Việc chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất khiến doanh nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều. Cụ thể, nếu như trước đây SEHC phải đóng thuế nhập khẩu linh phụ kiện cho cơ quan hải quan trước rồi sau đó mới được hoàn thuế nếu những linh phụ kiện đó được sản xuất ra phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, việc được hoàn lại tiền thuế bị kéo dài thời gian dẫn đến doanh nghiệp bị "chôn đồng vốn". 

Với việc được chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp chế xuất này thì sắp tới đây, SEHC sẽ không phải đóng thuế nhập khẩu linh phụ kiện trước để sản xuất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ bị thất thu thuế lớn. 

Theo giới phân tích, việc Công ty SEHC chuyển sang doanh nghiệp chế xuất thực tế không gia tăng thêm ưu đãi cho doanh nghiệp, bởi những ưu đãi mà Samsung đang hưởng tại Việt Nam với tư cách nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đang ở mức “kịch khung”. Trong khi đó, việc chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất khiến doanh nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều.

Được biết, tổng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của Samsung từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2018 là 165.613 tỷ đồng, trong đó doanh thu chịu thuế suất 0% (doanh thu xuất khẩu) là 124.262 tỉ đồng chiếm tỷ lệ 75,03% (trong đó các năm 2016 là 69%, năm 2017 là 78% và sáu tháng đầu năm 2018 là 76%). Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các doanh nghiệp chế xuất với doanh nghiệp trong thị trường Việt Nam được coi là quan hệ xuất nhập khẩu và phải theo các quy định của pháp luật về xuất nhập khẩu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate