“Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động theo dõi tình hình phức tạp này để quyết định bước đi tiếp theo”, công ty Hàn Quốc cho biết trong một thông cáo.
Samsung Electronics hiện dẫn đầu thị trường thiết bị di động tại Nga với 30% thị phần tính tới quý 4/2021. Theo sau là Xiaomi của Trung Quốc và Apple của Mỹ với thị phần lần lượt là 23% và 13%, theo hãng cung cấp dữ liệu Counterpoint.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp lớn toàn cầu như Apple, Google, Ford, Harley Davidson, Nike... đồng loạt tuyên bố cắt giảm hoạt động hoặc rút khỏi thị trường Nga để phản ứng với việc Moscow tấn công quân sự Ukraine.
Nga hiện đối mặt một loạt biện pháp trừng phạt cũng như chỉ trích của dư luận quốc tế. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong tuyến đường vận chuyển do cuộc xung đột cũng là một nhân tố khiến các công ty này đưa ra quyết định trên.
Theo Counterpoint, các doanh nghiệp Trung Quốc – chiếm khoảng 44% thị phần thiết bị di động Nga năm 2021 – đến nay hầu như chưa có động thái gì liên quan tới hoạt động tại Nga, trong khi Bắc Kinh giữ quan điểm trung lập về cuộc xung đột vũ trang.
Cũng trong ngày 5/3, Samsung Electronics thông báo sẽ quyên góp 6 triệu USD, trong đó có 1 triệu bằng đồ điện tử tiêu dùng cho các nỗ lực nhân đạo “quanh khu vực” xung đột Nga – Ukraine.
Trước đó, phản ứng trước động thái quân sự của Moscow, Hàn Quốc tuyên bố sẽ cấm xuất khẩu các mặt hàng chiến lược sang Nga và cùng các nước phương Tây loại một số ngân hàng lớn của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
“Chính phủ Hàn Quốc lên án hành động vũ trang của Nga nhằm vào Ukraine và với tư cách là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, chúng tôi quyết định tham gia tích cực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế (với Nga), để giải quyết xung đột trong hòa bình", Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo hôm 28/2.
Theo giới phân tích, các mặt hàng chiến lược bị Hàn Quốc cấm xuất khẩu sang Nga có thể bao gồm đồ điện tử, chất bán dẫn, máy tính, thiết bị thông tin và viễn thông, cảm biến, laser, thiết bị định vị và điều hướng hàng không, thiết bị hàng hải và hàng không vũ trụ.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng cho biết Chính phủ nước này đã quyết định thúc đẩy mở thêm kho dự trữ dầu chiến lược để bình ổn thị trường năng lượng quốc tế, đồng thời xem xét thêm các biện pháp khác như bán lại khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu.
Tuy nhiên, Seoul cũng dự kiến đề nghị miễn thực thi các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Nga bởi các biện pháp nhằm ngăn chặn Nga tiếp cận sản phẩm công nghệ cao có thể ảnh hưởng đến nhiều nhà sản xuất Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix, hãng tin Yonhap dẫn nguồn từ Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết.