Tổng giám đốc Intel, ông Pat Gelsinger, ngày 8/9 cho biết công ty dự kiến xây hai nhà máy chip tại châu Âu và có thể mở rộng thêm lên tới 8 nhà máy với tổng vốn đầu tư lên tới 95 tỷ USD trong vòng một thập kỷ. Các cơ sở này sẽ phục vụ nhu cầu lớn đối với chip bán dẫn khi mà ôtô, máy tính, thiết bị điện tử đều ngày càng “khát” chip.
“Kỷ nguyên mới này với nhu cầu chip bền vững cần lối tư duy lớn và táo bạo”, ông Gelsinger cho biết tại triển lãm ôtô tại Munich, Đức.
Trong khi đó, đối thủ Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, gần đây cũng tuyên bố đầu tư 100 tỷ USD trong 3 năm để nâng cao năng lực sản xuất.
Hãng điện Samsung Electronics của Hàn Quốc hồi tháng trước cũng công bố tăng đầu tư 30% kế hoạch tư lên hơn 205 tỷ USD trong vòng 3 năm, một phần để theo đuổi vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chip.
Cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp ôtô. Ford Motor và General Motors tuần trước đồng loạt tuyên bố cắt giảm sản lượng do thiếu chip. Hãng xe Toyota của Nhật tháng trước cũng cho biết sẽ giảm 40% sản lượng ôtô toàn cầu trong tháng 9
Ông Gelsinger dự báo thị trường chip dành cho ôtô có thể đạt giá trị 115 tỷ USD trong thập kỷ tới, gấp đôi mức hiện tại. Tuần trước, Intel cho biết mảng sản xuất chip theo hợp đồng của công ty đang đẩy mạnh khai thác các khách hàng tiềm năng tại châu Âu, bao gồm các nhà sản xuất ôtô.
“Thị trường chip ôtô sẽ tăng trưởng cấp đôi vào cuối thập kỷ này. Chip bán dẫn chiếm hơn 20% chi phí vật liệu cho các dòng xe mới trong phân khúc cao cấp, tăng từ mức 4% của năm 2019, do có thêm các tính năng hỗ trợ lại mới, màn hình chạm cùng nhiều tính năng yêu cầu năng lực sử lý cao hơn”, ông Gelsinger cho biết.
Việc mở rộng sản xuất tại châu Âu nằm trong kế hoạch đưa Intel trở thành một nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn, không chỉ phục vụ các sản phẩm của hãng mà còn phục vụ các công ty như Qualcomm Inc. hay Amazon – nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.
Hồi tháng 3, ông Gelsinger tuyên bố Intel sẽ xây 2 nhà máy tại bang Arizona, Mỹ với tổng mức đầu tư 20 tỷ USD. Từ đó đến nay, công ty này đã đầu tư thêm 3,5 tỷ USD để mở rộng hoạt động sản xuất tại bang New Mexico.
Ông Gelsinger cho biết Intel đang tìm kiếm các thỏa thuận ưu đãi từ giới chính trị gia Mỹ và châu Âu để sản xuất chip - linh kiện quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Chính phủ các nước phương Tây thường không có nhiều ưu đãi cho các nhà sản xuất chip. Ngược lại, ở châu Á, các hãng chip được hưởng nhiều ưu đãi như miễn phí thuê đất, giảm phí tiện ích hoặc giảm thuế. Điều này giúp ngành công nghiệp chip dần dịch chuyển sang tập trung tại các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore trong vài thập kỷ qua. Năm 1990, Mỹ chiếm khoảng 37% sản lượng chip toàn cầu nhưng nay chỉ còn 12%, theo ước tính của Boston Consulting Group vào năm ngoái.