Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới đây đã đưa thông báo phát hiện trên các hàng loạt các website có tên miền như greatheight.vn, tangchieucaogreatheight.com… đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Great Height vi phạm quy định, nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh, tên, thư tín của bác sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm; có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty TNHH Thương mại Vinpharco (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Quá trình hậu kiểm, Công ty TNHH Thương mại Vinpharco không thừa nhận các website nêu trên của Công ty TNHH Thương mại Vinpharco, Công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Great Height trên các website nêu trên.
Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong lúc các cơ quan chức năng xác minh vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo để người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Great Height quảng cáo vi phạm trên các website nêu trên.
Tại Việt Nam hiện có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Số tiền, số doanh nghiệp bị xử phạt do sai phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng ngày càng tăng.
Đại diện Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, các thông tin quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, cụ thể là facebook hiện nay rất khó kiểm soát. Việc lừa dối quảng cáo thực thực phẩm chức năng thay thuốc chữa bệnh là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Trong thời gian gần đây, trên website của Cục An toàn thực phẩm liên tiếp đăng tải các thông tin cảnh báo người dân cần cẩn trọng với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe được “nổ” quá đà, không đúng với công dụng cũng như chất lượng sản phẩm được công bố.
Theo quy định pháp luật vi phạm về quảng cáo thì xử lý theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115 NĐCP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực An toàn thực phẩm thay cho Nghị định 178 trước đây. Theo đó, mức phạt, hình thức xử phạt đã tăng lên rất nhiều.
Ngoài phạt tiền còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, thu hồi sản phẩm vi phạm và đặc biệt là công bố công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.