February 09, 2022 | 15:02 GMT+7

Sẵn sàng các kịch bản để ứng phó khi phát hiện ca mắc Covid-19 trong trường học

Thanh Xuân -

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT, đặc biệt là tập huấn các kịch bản để sẵn sàng ứng phó khi phát hiện ca mắc Covid-19 trong trường học...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi họp với Bộ Y tế, UBND TP. Hà Nội vào chiều 8/2 về công tác chuẩn bị điều trị trong tình huống học sinh nhiễm Covid-19 khi trở lại trường.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong cuộc chiến chống Covid-19 mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân phải đặt lên hàng đầu, đặc biệt là bảo vệ sức khỏe của trẻ em. Bởi trẻ em thuộc nhóm thể chất chưa phát triển toàn diện, trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh đều chưa được tiêm vaccine và nhóm đối tượng này chưa biết diễn đạt về triệu chứng bệnh nên đòi hỏi kỹ năng chăm sóc khó hơn cũng như cần quan tâm nhiều hơn.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm phủ vaccine, trong đó có tiêm vaccine cho học sinh để đưa các em trở lại trường. Nhưng để mọi việc diễn ra thuận lợi, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT, đặc biệt là tập huấn các kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc Covid-19 trong trường học, sao cho vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa không làm ảnh hưởng đến hoạt động cộng đồng và học tập.

Cũng tại cuộc họp trên, tất cả ý kiến đều thống nhất rằng các địa phương đã thực hiện những yêu cầu chung để bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại trường. Tuy nhiên các chuyên gia vẫn lưu ý phải lường trước những tình huống xấu như xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh hơn, thậm chí có những biến chủng có thể "lẩn tránh" vaccine và thuốc điều trị.

Do vậy, các chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh đến yếu tố phòng dịch và không để có quá nhiều trẻ lây nhiễm bệnh cùng lúc khi học sinh trở lại trường. Bởi thực tế, trẻ em khó thực hiện việc giữ khoảng cách và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch như 5K… Hơn nữa trong vòng lây nhiễm của trẻ em từ nhà trường tới khi về gia đình có thể lan ra cho cả những đối tượng nguy cơ cao, nên việc xây dựng kịch bản phòng, chống chi tiết, cụ thể sẵn sàng ứng phó khi có trường hợp học sinh nhiễm bệnh để tránh lúng túng là cần thiết.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, qua quá trình triển khai kế hoạch đưa học sinh trở lại trường, thành phố đã chỉ đạo các trung tâm y tế, trạm y tế hỗ trợ tích cực cho y tế học đường, tập huấn kỹ cho cán bộ quản lý, giáo viên, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

Thông tin về tình hình hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa lưu ý số ca mắc Covid-19 sau Tết dự báo có thể tăng cao do hoạt động đi lại và giao lưu dịp Tết nhiều. Trong đó tập trung vào nhóm đối tượng người già và chưa tiêm vaccine. Nhóm đáng lo ngại nhất là trẻ sơ sinh và trẻ chưa tiêm vaccine nên cần các biện pháp bảo vệ tốt để giảm thiểu tỉ lệ tử vong.

Hiện nay, Bộ Y tế đang cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh nhiễm Covid-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ Trung ương xuống đến địa phương, kiên quyết không được để xảy ra tình huống số ca nhiễm là học sinh tăng đột biến gây quá tải. Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát hướng dẫn bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường, cơ chế phản ứng của y tế học đường, y tế cơ sở khi có ca nhiễm trong trường học.

Đối với vấn đề mở trường trở lại, chia sẻ tại giao ban báo chí đầu xuân Nhâm Dần ngày 8/2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khẳng định: mở cửa trường học và giữ cho trường học luôn mở cửa là ưu tiên hàng đầu vì việc học ở nhà quá lâu sẽ để lại nhiều hệ lụy, tác động tới tâm lý, thể chất của các em, tác động tới cả chất lượng dạy và học.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate