Sàn thương mại điện tử này có mặt tại thị trường Đông Nam Á bất chấp những phân tích trước đó của giới chuyên gia rằng chiến lược giá rẻ của nền tảng này sẽ không hiệu quả ở khu vực Đông Nam Á, nơi người tiêu dùng đã có nhiều lựa chọn thay thế khác để có thể mua hàng Trung Quốc với giá rẻ.
Tại Đông Nam Á, họ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các ông lớn thương mại điện tử khu vực bao gồm Lazada của Alibaba, TikTok Shop của ByteDance và Shopee có trụ sở tại Singapore.
KỶ NGUYÊN TMĐT BÙNG NỔ TẠI ĐÔNG NAM Á
Theo báo cáo của McKinsey cho biết Indonesia và Singapore dẫn đầu khu vực với tỷ lệ thâm nhập thương mại điện tử khoảng 30%. Tiếp theo là Philippines, Thái Lan và Việt Nam với tỷ lệ thâm nhập thương mại điện tử khoảng 15%.
Tiềm năng tăng trưởng của Đông Nam Á trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử Trung Quốc, khi người tiêu dùng Trung Quốc giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Điều đó đã thúc đẩy Alibaba bơm 845 triệu USD vốn mới vào Lazada tháng trước. Ngoài ra, Alibaba cũng thực hiện các khoản đầu tư tiếp theo để tăng tỷ lệ sở hữu tại Lazada lên hơn 80%.
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi cho biết công ty sẽ rót hàng tỷ USD vào Đông Nam Á trong những năm tới, do sự phát triển nhanh chóng của hoạt động kinh doanh mua sắm trực tuyến trên thị trường.
CHIẾN LƯỢC GIẢM GIÁ KHI RA MẮT CỦA TEMU
Tính đến thời điểm hiện tại, sàn thương mại điện tử giá rẻ Temu đã có mặt tại 38 thị trường trên toàn cầu, một thành tích tương đối ấn tượng khi so sánh với sự hiện diện tại 11 quốc gia của Shopee.
Cuối tuần qua, Temu đã khai trương tại Philippines. Sàn thương mại điện tử này đã cung cấp chương trình giảm giá tới 90% các mặt hàng như áo phông, băng dính hai mặt và đồ dùng hàng ngày.
Các khoản giảm giá hào phóng là một phần của chiến lược thử nghiệm, giúp Temu leo lên vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí trên App Store của Apple và Google Play khi Temu ra mắt tại Mỹ vào năm ngoái.
Việc chọn Philippines làm điểm đến đầu tiên do một số yếu tố bao gồm cơ sở hạ tầng hoàn thiện và khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh trên trang web. Philippines là thị trường thương mại điện tử lớn thứ 3 Đông Nam Á tính theo GMV vào năm 2022.
Sự ra mắt của Temu tại Philippines nhấn mạnh việc mở rộng kinh doanh chiến lược trên khắp châu Á sau khi thâm nhập vào Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng trước. Vào tháng 6, Temu đã gửi một cuộc khảo sát tới những nhà bán hàng trực tuyến để hỏi xem họ đang sử dụng nền tảng nào ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á.
RÀO CẢN GIA NHẬP THỊ TRƯỜNG ĐÔNG NAM Á
Jianggan Li, người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty xây dựng liên doanh Momentum Works, xếp Temu vào cùng nhóm với Shein và TikTok Shop, gọi họ là “những kẻ mới nổi” đang “cùng nhau phá vỡ trật tự thương mại điện tử toàn cầu”.
Ông nói với Tech in Asia: “Mặc dù trong ngắn hạn, sẽ có những hạn chế khi Temu cạnh tranh với Lazada và Shopee, nhưng Temu vẫn là một đối thủ tiềm năng có thể thay đổi trật tự ngành thương mại điện tử Đông Nam Á. Những nền tảng như Temu không chỉ có sự năng động mà còn được hỗ trợ bởi dòng tiền mạnh mẽ từ những thị trường khác”.
Người tiêu dùng có thể sẽ là người hưởng lợi lớn nhất từ cuộc cạnh tranh mới này. Theo báo cáo “Nền tảng thương mại điện tử ở Đông Nam Á 2023” của Momentum Works, sự gia nhập của Temu sẽ kích thích tăng trưởng chung trong thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á.
Angus Mackintosh, người sáng lập trang nghiên cứu CrossASEAN, giải thích rằng tác động ngắn hạn của Temu đối với ngành thương mại điện tử tại Đông Nam Á là chưa thực sự rõ ràng.
“Tôi nghĩ còn quá sớm để nhận định về tương lai của Temu tại khu vực Đông Nam Á. Hiện chưa có dấu hiệu nào đảm bảo rằng Temu sẽ thành công tại thị trường này. Shein là một ví dụ điển hình về một nền tảng có thể thành công ở Mỹ, nhưng lại thất bại khi hoạt động tại Indonesia”.
Temu cũng có thể phải đối mặt với các vấn đề của chính phủ với việc các công ty internet Trung Quốc xâm phạm các MSME (các công ty siêu nhỏ, nhỏ và vừa) của Indonesia bằng hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc, ông nói thêm.