August 02, 2023 | 08:32 GMT+7

Sản xuất và phân phối sản phẩm bền vững vấp phải nhiều rào cản

Vũ Khuê -

Việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững vẫn còn hạn chế về sản xuất, phân phối sản phẩm thân thiện môi trường đến với người tiêu dùng, về duy trì thói quen, hành vi tiêu dùng bền vững...

Hiện nay, người tiêu dùng đã dành ra sự quan tâm nhất định tới các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng nhu cầu sử dụng chưa phải quá lớn.
Hiện nay, người tiêu dùng đã dành ra sự quan tâm nhất định tới các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng nhu cầu sử dụng chưa phải quá lớn.

Ngày 1/8, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Văn phòng sản xuất và tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại”.

KHÓ KHĂN LỚN NHẤT LÀ VỐN ĐẦU TƯ

Tại diễn đàn các nhận định đều đánh giá, sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể thiếu và là xu thế không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn chung trên toàn cầu hiện nay, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới ngày càng cạn kiệt.

Khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ cho thấy 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.

Nghiên cứu cũng chỉ rõ, sự kỳ vọng của người tiêu dùng với doanh nghiệp về những sáng kiến và hành động thiết thực nhằm cải thiện môi trường. Theo đó, 38% người tiêu dùng đánh giá sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường là cực kỳ quan trọng.

Các diễn giả tại diễn đàn đều đánh giá, sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững là yêu cầu tất yếu.
Các diễn giả tại diễn đàn đều đánh giá, sản xuất xanh, tiêu dùng bền vững
là yêu cầu tất yếu.

Còn khảo sát về xu hướng tiêu dùng xanh từ góc nhìn của người tiêu dùng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh của Intage Việt Nam cũng cho thấy tiêu dùng xanh đang trở thành vấn đề tất yếu. Họ nhận thức được sự cần thiết của các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi hành vi, thói quen để có các tác động tích cực và bảo vệ môi trường.

Ông Vijay Kumar Pandey, Chủ tịch HĐQT Công ty Cp Thực phẩm sữa TH – Tập đoàn TH, cho biết TH đã khởi dựng mô hình kinh tế theo hướng tuần hoàn, kiểm soát toàn bộ chuỗi sản xuất từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch, ứng dụng công nghệ cao, giảm thiểu phát thải trong từng mắt xích của chuỗi sản xuất.

Song khó khăn chính trong thực hiện “xanh” là cần vốn đầu tư ban đầu lớn, cũng như tìm được công nghệ phù hợp. Quy mô của TH rất lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới, nên không thể cứ “copy” công nghệ từ các nước khác về sử dụng. Như vậy, phải có cả vốn và công nghệ thì mới có thể xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn.

Ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình, chia sẻ tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ khoảng 50% doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 60% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 55% các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng sạch, thân thiện với môi trường; 70% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.

Đặc biệt, tập trung hỗ trợ các đối tượng là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ và vừa để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như nông, lâm, thủy sản, xây dựng, hàng tiêu dùng, cơ khí chế tạo, điện – điện tử... với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó, hình thành mối liên kết chặt chẽ là sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh.

Nhưng khó khăn mà tỉnh gặp phải khi thực hiện đó là do tỉnh miền núi, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực ứng dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến còn hạn chế, dẫn đến trong quá trình hoạt động sản xuất gây ra sự hao phí lớn về năng lượng.

Hơn nữa quy mô sản xuất nhỏ lẻ, kèm theo khó khăn về tài chính cũng không cho phép những doanh nghiệp này đầu tư trang thiết bị hiện đại để có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, trình độ tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại thân thiện với môi trường còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn nhầm lẫn giữa hoạt động hỗ trợ, giám sát kỹ thuật áp dụng sản xuất sạch hơn với các hoạt động thanh, kiểm tra về môi trường.

Ông Jinwoo Song, Tổng Giám đốc BAEMIN Việt Nam, cũng cho rằng người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các món ăn chứa ít chất béo, đường và giàu chất xơ, dinh dưỡng. Điều này thể hiện qua mức độ tăng trưởng số lượng các cửa hàng cung cấp sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Tính đến tháng 6/2023, con số này đã tăng 15% so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng này không chỉ ở ngành hàng thực phẩm, mà còn ở các mặt hàng mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe cá nhân.

Nhưng thách thức lớn nhất là thay đổi hành vi của khách hàng. Hiện nay ở Việt Nam, người tiêu dùng đã dành ra sự quan tâm nhất định tới các sản phẩm thân thiện với môi trường, nhưng nhu cầu sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường của khách hàng chưa phải quá lớn.

Cùng với đó, giá cả vẫn là yếu tố chi phối hàng đầu, với mức giá thành phẩm các nguyên liệu thân thiện môi trường hiện đang chênh lệch tới 30% so với bao bì thông thường, sẽ là rào cản lớn trong việc thay đổi hành vi và đáp ứng nhu cầu khách hàng.

CẦN THIẾT CHUYỂN ĐỔI TỪ MÔ HÌNH KINH TẾ TUYẾN TÍNH SANG TUẦN HOÀN

Để triển khai các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững đảm bảo được sâu rộng, theo ông Liêm, cần tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, góp ý ban hành các tiêu chí, công cụ hướng dẫn về sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Các diễn giả tham gia tại diễn đàn.
Các diễn giả tham gia tại diễn đàn.

Có chính sách khuyến khích, ưu đãi tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường cũng như các chính sách, tiêu chuẩn, hướng dẫn về nhãn sinh thái, về thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng.

Đồng thời, triển khai xây dựng tài liệu tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên, thiết kế bền vững, sản xuất bền vững, phân phối bền vững; mua sắm bền vững...

Đặc biệt, cần bố trí kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, thay đổi thói quen tiêu dùng của nhân dân, nâng cao ý thức cộng đồng và thúc đẩy quá trình sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.

Ông Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho rằng việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết để hướng đến nền kinh tế phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng, ít carbon, vững mạnh và cạnh tranh.

Để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cần đảm bảo 3 nguyên tắc: Bắt đầu từ việc thay đổi thiết kế sản phẩm (gồm loại bỏ rác thải và ô nhiễm); tăng vòng đời sản phẩm - nguyên vật liệu và tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.

Mô hình này cần được doanh nghiệp áp dụng trong 5 giai đoạn, gồm: Cải tiến thiết kế sản phẩm nhằm tăng khả năng tái chế và tái sử dụng; quá trình sản xuất hạn chế, không tạo ra rác thải; tiêu dùng có trách nhiệm; quản lý rác thải và biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị thông qua việc tái sử dụng và tái chế; thiết kế đóng vai trò quan trọng vì có thể giúp giảm rác thải ngay từ lúc sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate