Với chủ đề “Thúc đẩy tương lai của Việt Nam thông qua đầu tư R&D chiến lược”, diễn đàn được tổ chức với mục tiêu giúp Việt Nam xây dựng được một chiến lược R&D quốc gia hiệu quả, dựa trên nền tảng hợp tác quốc tế và chính sách đổi mới sáng tạo.
Theo nghiên cứu của Moustapha & Yu (2021) trên 35 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, mỗi mức tăng 1% trong chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) có thể góp phần làm tăng trưởng GDP thực tế đến 2,83%, phản ánh vai trò then chốt của đổi mới sáng tạo đối với tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Các quốc gia như Hàn Quốc, Israel, Pháp hay Singapore đã tận dụng chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào R&D như một động lực bứt phá để nâng cao năng suất và giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank, 2024), tỷ lệ chi tiêu cho R&D trên GDP đã tăng từ 0,30% năm 2013 lên 0,43% năm 2021, đây là bước tiến tích cực nhưng vẫn còn thấp so với mức trung bình của các nước phát triển (thường dao động từ 2% đến 4% GDP).
Bên cạnh đó, Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức như hạn chế trong tiếp nhận và làm chủ công nghệ, thiếu liên kết giữa doanh nghiệp và đại học và chưa khai thác hiệu quả nguồn lực chất xám toàn cầu.
Vì vậy, Diễn đàn Nghiên cứu và Phát triển Việt Nam 2025 được xem là bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức, đồng thời tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo nội sinh - yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế của Việt Nam.
Diễn đàn sẽ quy tụ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, có ảnh hưởng trong nghiên cứu và ứng dụng, các nhà hoạch định chính sách, và đại diệ̂n doanh nghiệp nhằm hướng tới 5 mục tiêu cốt lõi: Thiết lập cơ chế kết nối dài hạn cho hợp tác R&D; Thúc đẩy chuyển giao và thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Xây dựng chiến lược R&D quốc gia dựa trên sáng kiến thực tiễn; Định vị Việt Nam là trung tâm R&D mới nổi trong khu vực ASEAN; Kiến tạo hệ sinh thái R&D năng động, hội nhập và bền vững.
Với tầm nhìn quốc tế, Diễn đàn R&D Việt Nam 2025 cũng sẽ là cầu nối chiến lược giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, đại học, nhà đầu tư và chuyên gia trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy đối thoại, hợp tác và hành động cụ thể. Nội dung Diễn đàn sẽ tập trung trao đổi trên ba trụ cột chính:
- Thảo luận Lộ trình R&D Việt Nam 2025–2030, bao gồm cơ chế thương mại hóa, kết nối chuyên gia và hợp tác giữa ngành – đại học thông qua ưu đãi tài chính.
- Đề xuất Khung chính sách quốc gia về R&D, bao gồm Hội đồng R&D Quốc gia, chính sách đãi ngộ, tín dụng thuế cho R&D, và chiến lược nhân tài.
- Đối thoại Kế hoạch hành động đầu tư R&D thêo ngành, với các nội dung về hỗ trợ đầu tư ban đầu, đào tạo chuyên môn, khu kinh tế đặc biệt (SEZs) chuyên biệt cho R&D, và quỹ hỗ trợ đầu tư.
Diễn đàn sẽ đưa ra báo cáo chính sách, thiết lập cơ sở dữ liệu chuyên gia, và đề xuất hành động R&D cụ thể cho các ngành công nghiệp chiến lược của Việt Nam, hướng tới mục tiêu tăng đầu tư R&D lên 2% GDP vào năm 2030.
Diễn đàn R&D Việt Nam 2025 được tổ chức với quy mô và trình độ quốc tế, với đội ngũ chọn lọc 100 khách mời đặc biệt là những chuyên gia người Việt, gốc Việt và những nhân vật có tầm ảnh hưởng hàng đầu trong lĩnh vực R&D trên toàn cầu. Đây là nền tảng kết nối cấp cao giữa các khối nhà nước - doanh nghiệp - đại học - tập đoàn công nghệ - viện nghiên cứu và nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu thúc đẩy chuyển giao công nghệ, vận hành hiệu quả các mô hình đầu tư, và hình thành hệ sinh thái R&D bền vững tại Việt Nam.
Đặc biệt, Diễn đàn Nghiên cứu và Phát triển Việt Nam 2025 cũng sẽ có sự tham dự của Top Thinkers50 - những nhà tư tưởng và nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực quản lý và kinh doanh trên toàn cầu và nhà khoa học hàng đầu thế giới như:
- Ông Navi Radjou: Chuyên gia cố vấn hàng đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và lãnh đạo, đồng thời là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy theo xếp hạng của New York Times.
- Ông Hamilton Mann: Nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Retech của Ecole des Ponts Business School và là cố vấn tại Trung tâm Priscilla King Gray (PKG) của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Phó chủ tịch Tập đoàn Thales và cố vấn cho nhiều công ty Fortune 500.
- GS.TS Lim Weng Marc, Trưởng khoa Trường Kinh doanh Sunway, Tổng biên tập của một số tạp chí học thuật uy tín như Activities, Adaptation and Aging (Routledge), Global Business and Organizational Excellence (Wiley) và International Journal of Quality and Innovation (Inderscience), Top 2% nhà khoa học hàng đầu toàn cầu theo xếp hạng của cơ sở dữ liệu tác giả toàn diện do Elsevier BV và Đại học Stanford phát triển trong các năm 2020 và 2021.
AVSE Global (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu) là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Paris, tập hợp những trí thức, chuyên gia cấp cao, và nhà khoa học uy tín trên nhiều lĩnh vực ở phạm vi toàn cầu.
Với hơn 300 nguồn lực có mặt trên 30 quốc gia và làm việc thường xuyên trong các dự án chiến lược, 2000 chuyên gia hỗ trợ, và hơn 10000 người có thể kết nối, AVSE Global thực hiện các chương trình, dự án chiến lược thúc đẩy sự phát triển bền vững và thịnh vượng của Việt Nam thông qua 12 mạng lưới chuyên gia, 10 hội thảo và diễn đàn chính sách quốc tế hàng năm, 20 chương trình đào tạo cấp cao, 10 dự án tư vấn lớn trong đó có quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh thành, và các báo cáo chuyên ngành trên nhiều chủ đề trọng yếu như thương hiệu quốc gia, giáo dục đào tạo, chiến lược thu hút nhân tài, kinh tế - tài chính, quy hoạch và phát triển đô thị bền vững, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và năng lượng.