Đây là vấn đề chung được cộng đồng doanh nghiệp nhiều ngành hàng như Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, Công ty Canon Việt Nam… góp ý tại các hội thảo cũng như văn bản đóng góp ý kiến với Ban soạn thảo.
Hiện Dự thảo đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuyển qua Bộ Tư pháp nhằm chuẩn bị thẩm định theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào tuần cuối tháng 9/2021.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, tổng hợp kiến nghị từ doanh nghiệp cho thấy, hiện vẫn còn 3 vướng mắc chính trong Dự thảo Nghị định.
THỦ TỤC TRÙNG LẮP, BẤT HỢP LÝ
Đó là, thủ tục cấp Giấy phép môi trường phức tạp, trùng lắp; một số điều kiện bất hợp lý trái với các Nghị quyết của Chính phủ.
Trước đây, chỉ có các dự án gây ô nhiễm đến môi trường (nhóm I) mới phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (TĐMT) và xin cấp giấy phép môi trường (GPMT), nhưng với quy định mới tại Dự thảo thì các dự án và nhà máy nhóm I và nhóm II kể cả đã hoạt động cũng phải làm TĐMT và xin cấp GPMT. Điều này làm gia tăng thủ tục hành chính (TTHC) do hồ sơ cấp phép và quy trình cấp phép rất phức tạp, trùng lắp, nhưng lại không có hiệu quả.
“Luật BVMT quy định hồ sơ xin cấp GPMT gồm 3 mục. Trong Dự thảo này cũng gồm 3 mục lớn, trong các mục lại chia ra đến 15 mục nhỏ khiến hồ sơ phức tạp. Mục 2 có 10 mục nhỏ thì 9 mục đã nộp trong hồ sơ xin duyệt TĐMT”, ông Nam nhận định.
Với quy định trong điều 27-29 của Dự thảo, phần lớn doanh nghiệp sẽ phải trải qua 2 lần thẩm định và 2 lần kiểm tra thực địa (thẩm định và kiểm tra thực địa TĐTM; thẩm định và kiểm tra thực địa khi cấp GPMT). Cùng với đó, Điều 29 cũng không quy định rõ thời gian kiểm tra hồ sơ, thời gian thẩm định và kiểm tra thực địa khi cấp phép.
Không chỉ vậy, quy trình cấp phép cũng không hiệu quả để bảo vệ môi trường do chỉ là tiền kiểm (lấy mẫu kiểm tra các công trình xử lý chất thải khi còn chưa vận hành thử nghiệm) mà không hậu kiểm.
Ngoài ra Điều 30 khoản 3c quy định phải đánh giá hiệu quả xử lý của các công trình xử lý chất thải trước khi cấp GPMT. “Vậy với các công trình xây dựng như cầu, đường… vốn không có các công trình xử lý chất thải thì làm sao cấp được GPMT?”, ông Nam đặt câu hỏi.
Điều này, theo các hiệp hội doanh nghiệp, đi ngược lại với Nghị quyết 68 của Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định tron giai đoạn từ năm 2020-2025.
QUY ĐỊNH GÂY KHÓ CHO DOANH NGHIỆP
Dự thảo đưa ra ngưỡng lưu lượng xả thải từ 15.000 m3/ngày trở lên thì “tần suất quan trắc nước thải định kỳ” là 01 tháng/lần. Do đặc thù có lưu lượng xả thải rất lớn (thậm chí lên tới 30% lượng nước trong ao nuôi/ngày), nên nếu áp dụng theo quy định trên thì hầu như các vùng nuôi thủy sản đều phải thực hiện quan trắc 1 tháng/ lần.
Với cách gọi là “đóng góp” chứ không gọi là phí, Dự thảo đang khiến các hiệp hội và nhiều doanh nghiệp quan ngại khi thấy rằng khoản tiền tái chế sản phẩm, bao bì (EPR) sẽ nằm ngoài ngân sách nhà nước và có thể sẽ không chịu các quy định quản lý theo luật phí và lệ phí mà do Văn phòng EPR tự quyết định.
“Việc doanh nghiệp nộp tiền để EPR làm thay việc tái chế, nhưng văn phòng EPR tự quản lý quỹ, quyết định thu chi mà không có quy định giám sát quản lý thì giống như việc hùn vốn cho một công ty gia đình mà cả Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và Thủ quỹ đều là người của gia đình đó cử ra”, ông Nam ví von và cho rằng doanh nghiệp sẽ rất quan ngại khi phải nộp những khoản quỹ này.
Ngoài ra, công thức tính phí cũng chưa rõ ràng, tỷ lệ tái chế bắt buộc 80-90% ngay lúc đầu của Dự thảo là quá cao, bởi ngay cả Châu Âu lúc đầu cũng chỉ đạt 50-60%. “Do đó, quy định này rất khó thực thi, cần phải có lộ trình trước thấp, sau tăng lên mức phù hợp”, các doanh nghiệp khuyến nghị.
NGÀNH THỦY SẢN ĐỐI MẶT VỚI 3 KHÓ KHĂN
Ngoài những khó khăn trên, theo ông Nguyễn Hoài Nam, ngành thủy sản còn gặp khó khăn với 3 vấn đề.
Đó là quy định dung lượng nước thải tối thiểu phải quan trắc tự động, tần suất quan trắc nước thải định kỳ; xếp loại Danh mục dự án đầu tư Nhóm I và II có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; và xếp loại ngành vào loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, theo ông Nam, việc lắp quan trắc tự động theo dụng lượng nước thải khiến nhiều doanh nghiệp tốn kém trong khi kết quả lại không chính xác.
Hiện nay, đầu tư cho hệ thống quan trắc tự động mất hàng tỷ đồng/một hệ thống, thêm chi phí vận hành từ 40-50 triệu đồng/kỳ quan trắc.
Dù chi phí lớn song theo phản ánh của các doanh nghiệp, cái mà doanh nghiệp quan ngại là phải đầu tư hệ thống này không có tác dụng để quản lý mức độ ô nhiễm do kết quả quan trắc không chính xác.
Ngoài ra, Dự thảo còn đưa ra ngưỡng lưu lượng xả thải từ 15.000 m3/ngày trở lên thì “tần suất quan trắc nước thải định kỳ” là 01 tháng/lần. Do đặc thù có lưu lượng xả thải rất lớn (thậm chí lên tới 30% lượng nước trong ao nuôi/ngày), nên nếu áp dụng theo quy định trên thì hầu như các vùng nuôi thủy sản đều phải thực hiện quan trắc 1 tháng/ lần. Điều này làm tăng chi phí lấy mẫu và phân tích mẫu lên rất nhiều trong khi quy định hiện hành chỉ là 3 tháng/lần.
“Đây lại là một điểm đáng lo ngại nữa với các doanh nghiệp có vùng nuôi”, ông Nam cho biết.
Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Hoài Nam, việc đưa nhà máy thủy sản vào mức nguy cơ ô nhiễm cao (mức 3) là không hợp lý và không công bằng bởi so với ngành dệt nhuộm, bánh kẹo… nước thải của ngành thủy sản còn ít ô nhiễm hơn.
Việc xếp ngành nuôi trồng nằm trong “Danh mục dự án đầu tư nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao”, theo các doanh nghiệp, là đang đi ngược với chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp, dẫn tới các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải xin cấp phép Bộ Tài nguyên và Môi trường, làm gia tăng thủ tục hành chính và gánh nặng cho doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp thủy sản cho rằng, Dự thảo chỉ nên áp dụng quy định này cho các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng từ nông nghiệp sang các mục đích khác thì phù hợp hơn”, ông Nam nhấn mạnh.