Quy định trên áp dụng cho cả xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc và có hiệu lực liên tục với tổng thời gian là 5 năm. Trong khi đó, đối với xe dùng động cơ đốt trong, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đến nay đã áp dụng lần thứ 4 và lần gần nhất chỉ là 3 tháng.
Trong lộ trình điện khí hoá, chính sách miễn, giảm lệ phí trước bạ dành cho xe điện chạy pin được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với các dòng xe thân thiện với môi trường và góp phần giúp đẩy nhanh tiến trình xanh hoá tại Việt Nam.
Nhìn lại thời điểm bắt đầu áp dụng quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP, thị trường Việt Nam còn khá ít các mẫu xe điện. Những cái tiên đầu tiên “thuần điện” có thể nhắc tới như VinFast VF e34, Porsche Taycan. Đến thời điểm cuối năm 2022, các mẫu BEV tiếp theo được giới thiệu gồm VinFast VF 8, VF 9, BMW, Mercedes-Benz EQS, Audi e-tron. Và đến thời điểm hiện tại, thị trường xe điện Việt đã sôi động hơn rất nhiều với các mẫu xe thuần điện. Sân chơi không chỉ còn có VinFast hay một số hãng xe sang đắt tiền mà có sự tham gia của các đối thủ đến từ Trung Quốc khá đông đảo.
So với các nước khác trên thế giới, hiện các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn. Theo các chuyên gia trong ngành, ngoài ưu đãi thuế trước bạ, hiện xe điện tại Việt Nam mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, ở mức 15%, thấp hơn so với xe chạy xăng, dầu thông thường là mức 35 - 50%.
Vừa qua, Chính phủ đề xuất giảm 5 - 12 điểm % thuế suất tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện chạy pin trong 5 năm đầu sau khi sửa luật có hiệu lực. Nhưng mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt là chưa đủ giúp tạo lực đẩy mạnh mẽ cho phương tiện xanh.
Trong khi đó, để phát triển xe điện và khuyến khích người dân sử dụng xe điện thay xe động cơ đốt trong truyền thống, còn cần có hệ thống trạm sạc cho xe điện được phổ cập. Đây là cốt lõi của bài toán xe điện cần phải được giải quyết. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có chính sách hấp dẫn hơn để hỗ trợ, khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư hệ thống trạm sạc, phát triển trạm sạc pin xe điện.
Thời gian qua, thị trường xe điện Việt Nam đã có nhiều bước chuyển đáng chú ý khi có rất nhiều sản phẩm xe điện được các hãng tung ra thị trường. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thị trường khoảng giữa năm 2024 là vùng trũng với doanh số sụt giảm. Nhưng sắp tới khi chính sách ưu đãi thuế cho xe điện chỉ còn 50%, chắc chắn người tiêu dùng sẽ khó tránh khỏi tâm lý e ngại và nhu cầu suy giảm bởi giá thành xe điện sẽ tăng, vượt mức chi trả.
Tại Việt Nam, VinFast hiện là hãng đầu tư lớn nhất cho hạ tầng trạm sạc khắp Việt Nam lên đến 150.000 trạm sạc. Nhưng ngoài VinFast và một số hãng thứ 3 thì hầu như chưa có hạ tầng cho phát triển xe điện ở Việt Nam.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của VinFast, trong tháng 9/2024, hãng xe này đã bàn giao số lượng xe lớn tại thị trường Việt Nam, trở thành thương hiệu bán chạy nhất và khẳng định vị thế vững chãi ở thị trường nội địa. Đây là lần đầu tiên một công ty thuần điện vượt qua tất cả thương hiệu quốc tế và chiếm thị phần số 1 tại Việt Nam.
Bước sang tháng 10, VinFast bàn giao hơn 11.000 ô tô điện cho khách hàng Việt Nam, tăng 21% so với tháng 9 và nâng tổng số ô tô điện bàn giao kể từ đầu năm tại Việt Nam lên 51.000 xe. VinFast tiếp tục giữ vững vị thế thương hiệu số 1 thị phần trong tháng 10 và trở thành hãng xe bán chạy nhất trong 10 tháng đầu năm.
Để đáp ứng nhu cầu đang ngày càng gia tăng đối với các mẫu xe phân khúc giá thấp, đồng thời nhằm tối ưu hiệu quả, Công ty có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất ở tỉnh Hà Tĩnh, dự kiến chuyên sản xuất các mẫu xe điện phổ thông VF 3 và VF 5. VinFast dự kiến áp dụng mô hình thuê dài hạn để tối ưu dòng tiền đầu tư ban đầu.
Nhà máy CKD được thiết kế với công suất tối đa lên tới 300.000 xe điện mỗi năm, có thể linh hoạt điều chỉnh công suất theo biến động của thị trường để đáp ứng nhu cầu. Nhà máy dự kiến được bắt đầu xây dựng từ đầu tháng 12 năm 2024 và đi vào hoạt động trong năm 2025.
Đến thời điểm tháng 3/2025, trên thị trường, dù chính sách ưu đãi thuế cho xe điện chỉ còn 50%, có lẽ chỉ có VinFast đảm bảo được thị phần ổn định nhờ lợi thế “sân nhà” so với các đối thủ, lợi thế về giá bán và lợi thế về hạ tầng trạm sạc rộng khắp.
Đối với thị trường xe nhập khẩu, từ nửa cuối năm 2023, nhiều mẫu BEV bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, bao gồm BMW iX3, i4, i7, Mercedes-Benz EQB, EQE, Haima 7X-E... Doanh số các mẫu xe này không được nhà sản xuất công bố.
Còn đối với các mẫu BEV lắp ráp trong nước như Hyundai Ioniq 5, Wuling Mini EV, tương quan giữa giá bán và trang bị, công nghệ đi kèm cũng là bài toán khó đối với các thương hiệu ô tô. Lý do bởi linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc vào Việt Nam không được ưu đãi thuế nhập khẩu 0% như linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN (theo ATIGA). Tất cả những yếu tố trên có thể khiến giá thành của các mẫu xe khó có thể ở mức hấp dẫn.
Trong khi đó, các dòng xe thân thiện với môi trường khác bao gồm Hybrid (HEV), Plug-in Hybrid (PHEV), dù đã tồn tại trước đó nhiều năm như Toyota Prius (2007), Lexus LS600H (2007), Lexus RX450h (2009) và các mẫu Hybrid thế hệ mới như Toyota Corolla Altis 1.8HEV, Camry HEV, Corolla Cross 1.8HEV lại không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ như BEV.
Trên thế giới, để đẩy mạnh phát triển điện khí hoá và thúc đẩy phát triển các dòng xe xanh, nhiều quốc gia bên cạnh chính sách khuyến khích nhà sản xuất, còn có nhiều chính sách phát triển hạ tầng, hỗ trợ người tiêu dùng trong lần đầu tiếp cận xe điện. Dựa trên tình hình phát triển hiện tại của các loại xe xanh tại Việt Nam, theo dự báo của nhiều chuyên gia trong ngành, để thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam và phát triển thị trường, cần có cần các biện pháp hỗ trợ bền vững, đủ mạnh, lâu dài thay vì chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.