Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn số 7653/BGTVT-KHĐT gửi liên danh nhà đầu tư Dự án BOT cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, là Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam – Vinaconex, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 319, Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú – Invest, đề nghị cho ý kiến về khả năng tiếp tục đầu tư mở rộng cầu Xương Giang, cầu Như Nguyệt trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức BOT.
Được biết, tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn được triển khai thực hiện thông qua 2 dự án đầu tư theo hình thức BOT. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang được triển khai thực hiện đầu tư năm 2014 bởi liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương, Vinaconex, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 319, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest.
Trên tuyến Hà Nội - Bắc Giang, 2 cầu Xương Giang và cầu Như Nguyệt đang khai thác với quy mô 2 làn xe, nhưng đường lại cho lưu thông tận 4 làn xe. Đây là "điểm nghẽn" giao thông và xảy ra tình trạng ùn tắc thường xuyên.
Tuyến đường được đầu tư theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h, quy mô bề rộng nền đường 33m, gồm 4 làn xe cơ giới.
Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, mật độ giao thông trên tuyến Hà Nội – Bắc Giang ngày càng cao. Các vị trí cầu Xương Giang, cầu Như Nguyệt trở thành điểm nghẽn giao thông và xảy ra tình trạng ùn tắc thường xuyên.
Để đảm bảo đồng bộ về quy mô khai thác, việc đầu tư mở rộng cầu Xương Giang, cầu Như Nguyệt là cần thiết. Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban Quản lý dự án 2 nghiên cứu phương án bổ sung hai cầu nêu trên vào dự án mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 11, dự kiến sử dụng vốn vay từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế của Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) để thực hiện đầu tư ngay trong giai đoạn 2021-2025.
Gần đây, trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 vừa diễn ra, đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang cũng gửi tới Quốc hội ý kiến kiến nghị của cử tri Bắc Giang về việc xây dựng, mở rộng hai cây cầu huyết mạch trên đường cao tốc Hà Nội-Bắc Giang đã kéo dài từ nhiệm kỳ trước.
"Hai cây cầu Xương Giang, Như Nguyệt bị thắt cổ chai nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công trình và sự phát triển của địa phương. Nếu giao nhà đầu tư BOT hiện tại thì việc đầu tư mở rộng thêm hai cầu cũng không làm kéo dài thời gian thu phí, do lưu lượng xe đã vượt dự kiến rất lớn", ông Lâm cho biết.
Tuy nhiên, pháp luật quy định cụ thể trong trường hợp này đến nay chưa thực sự rõ ràng, do vậy chưa thể triển khai. Cử tri Bắc Giang mong muốn Chính phủ sớm nghiên cứu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, giải quyết vướng mắc trên.
Trước đó, vào ngày 9/6/2021, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 5392/BGTVT-KHĐT đề nghị nhà đầu tư cho ý kiến về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do Ban Quản lý dự án 2 đệ trình và khả năng triển khai thực hiện mở rộng các công trình cầu Xương Giang, cầu Như Nguyệt theo hình thức hợp đồng BOT thuộc phạm vi quản lý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Giao thông vận tải chưa nhận được ý kiến chính thức từ phía nhà đầu tư.