"Khi sắp xếp bộ máy, giải quyết vấn đề trong nội bộ thì nội bộ nhiều chuyện lắm... Bây giờ mới làm đề án thôi, ở dưới đã có hiện tượng người ta "chạy" rồi, rồi người này người kia điện thoại, đủ hết cả".
Đó là chia sẻ của Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ an, ông Nguyễn Đắc Vinh tại hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 do Bộ Nội vụ tổ chức sáng 9/8.
Hiện nay, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết số1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất lớn.
Cụ thể, có đến 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,47%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số. Trong đó, có 259 đơn vị chưa đạt 50% của 1 trong 2 tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số; có 18 đơn vị đồng thời chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số.
9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,51%) chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích, dân số. Trong đó, 6.191 đơn vị chưa đạt 50% của 1 trong 2 tiêu chuẩn diện tích hoặc dân số; có 637 đơn vị đồng thời chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn diện tích và dân số.
Mục tiêu của đề án là từ nay đến năm 2021 cơ bản thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã chưa đạt 50% của cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số theo quy định. Từ năm 2022 - 2030, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã không đạt 2 tiêu chuẩn này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình xây dựng đề án, tổ chức các cuộc khảo sát, hội thảo và gửi lấy ý kiến các cơ quan Trung ương, các địa phương về dự thảo, có những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về tiêu chí và số lượng sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021. Có ý kiến đề nghị từ nay đến năm 2021 chỉ tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã không đạt 50% tiêu chuẩn diện tích, dân số theo quy định nhưng cũng có ý kiến đề nghị sắp xếp ở cả cấp xã và cấp huyện. Có ý kiến đề nghị chỉ sắp xếp 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 637 đơn vị hành chính cấp xã nhưng cũng có ý kiến đề nghị sắp xếp 259 đơn vị hành chính cấp huyện và 6.191 đơn vị hành chính cấp xã.
Cầm tiền cũng "rưng rưng nước mắt"
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo một số địa phương đã nhấn mạnh đến thách thức sắp xếp cán bộ.
Bí thư Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ: "khi sắp xếp bộ máy, giải quyết vấn đề trong nội bộ thì nội bộ nhiều chuyện lắm... Bây giờ mới làm đề án thôi, ở dưới đã có hiện tượng người ta "chạy" rồi, rồi người này người kia điện thoại, đủ hết cả".
Cũng lo về cán bộ, Bí thư Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nói, ba xã nhập một tức là dư 2/3, vậy phải bàn rất kỹ vấn đề này nếu không sẽ không thực hiện được. Ba bí thư chỉ còn một bí thư, ba chủ tịch giờ còn một chủ tịch, xử lý thế nào, vô cùng khó".
Quan tâm đến chế độ cho cán bộ nghỉ việc, Phó bí thư thường trực Đồng Nai Trần Văn Tư cho rằng Trung ương nên quy định thống nhất, đừng để mỗi nơi ban hành quy định riêng thì không ổn.
"Vừa rồi tôi rất buồn khi nghe Đà Nẵng đưa quy định hỗ trợ cán bộ nghỉ việc 200 triệu, nghe như bị xúc phạm. Bởi vì mỗi giai đoạn lịch sử, họ cũng có đóng góp cho sự phát triển mà giờ lại nói không còn gì, bỏ ra 200 triệu để mua sự ra đi... Họ nghỉ trước cũng là sự hy sinh cần phải trân trọng chứ không thể coi như là gạt bỏ. Dư luận nói không ra sao, như là đưa ra mấy đồng bạc cho họ về, họ cầm lấy đồng bạc này chắc cũng rưng rưng nước mắt đó", ông Tư phát biểu.
Không "vắt chanh bỏ vỏ"
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định rõ việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính phải lấy ý kiến nhân dân và khi có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn đồng ý thì mới trình cấp có thẩm quyền xem xét.
"Chúng ta cần phải thực hiện đúng quy định hiện hành... Những vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân dân trên địa bàn thì cần phải tôn trọng ý kiến của Nhân dân, Phó thủ tướng nói và lưu ý, hình thức lấy ý kiến cử tri như thế nào cần tính toán kỹ nhưng phải đảm bảo thực chất..
Theo Phó thủ tướng, khi thực thiện việc sáp nhập, chia tách phải đánh giá tác động hết sức thận trọng. "Chúng ta phải trân trọng đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người tham gia không chuyên trách trong thời gian qua đóng góp rất lớn cho việc củng cố hệ thống chính quyền cơ sở, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội", ông nói.
Chỉ đạo từ Phó thủ tướng là phải sắp xếp lại và có chế độ chính sách rõ ràng, không phải là chuyện "vắt chanh bỏ vỏ", hay chuyện trả công quên ân, trọn gói trả cho như thế coi như là xong". Những nhân sự này vẫn tiếp tục vận động để họ tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở như đoàn thể, mặt trận, làm chỗ dựa cho chính quyền địa phương, Phó thủ tướng phát biểu.